DN lo ngại xe chạy đêm ít khách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn hơn chạy ban ngày.
Phục vụ người dân, giảm ùn tắc đường?
Ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cơ quan này đề xuất điều chỉnh hoạt động vào ban đêm để đáp ứng nhu cầu người dân; phù hợp với tổ chức và hạ tầng giao thông, mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, các DN khai thác khung giờ buổi tối không được đổi sang các khung giờ khác và không làm ảnh hưởng tới các DN đang khai thác. Các thay đổi này chỉ được áp dụng khi có sự đồng thuận của người dân, DN, các cơ quan liên quan; phải được chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT.
Cũng theo nội dung đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, khi chạy đêm, cho phép xe khách tuyến cố định được đi vào tuyến đường ngắn nhất (có thể chạy xuyên nội đô), thay vì áp dụng quy hoạch luồng tuyến phân theo khu vực.
Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), việc mở bến sau 12h đêm do Sở GTVT các địa phương quyết định, trên cơ sở thống nhất với địa phương ở đầu tuyến còn lại. Đối với quy hoạch luồng tuyến, Vụ này cho biết, các tuyến xe khách liên tỉnh đi/đến Hà Nội được quy định như sau: Các tuyến xe phía Nam vào Hà Nội đi theo quốc lộ 1, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm; các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6 vào Bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo quốc lộ 32, Cầu Thăng Long vào Bến xe Mỹ Đình.
Việc bố trí luồng tuyến xe khách liên tỉnh vào các bến xe của Hà Nội dù ban ngày hay ban đêm đều phải theo quy định trên, nhằm đảm bảo trật tự vận tải và giảm ùn tắc giao thông.
Còn nhiều băn khoăn…
Theo khảo sát của PLVN, nhiều DN vận tải tỏ ra không mặn mà với đề xuất này của Sở GTVT Hà Nội, đồng thời bày tỏ các ý kiến băn khoăn. Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải – Thương mại & Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, đề xuất trên của Sở GTVT Hà Nội cơ bản tốt, giúp các DN chưa có “lốt” ở bến xe có lựa chọn. “Tuy nhiên, việc này có thể không cải thiện được lắm các vấn đề đang tồn tại của vận tải hành khách”, ông Hải nói.
Theo lãnh đạo Công ty này, thực ra hiện nay DN nào có nhu cầu đăng ký chạy đêm thì vẫn được chạy, không có quy định cấm. Vấn đề là lượng khách có đảm bảo cho DN hoạt động hay không. Theo ông Hải, hành khách chủ yếu có nhu cầu di chuyển vào ban ngày, cùng lắm là đến 9-10h đêm; chỉ những tuyến liên tỉnh xa mới có khách chạy xuyên đêm, nhưng không nhiều. “Chúng tôi chuyên chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Thường thì đến 9-10h đêm đã hết khách rồi”, ông Hải nói và cho biết, nếu chỉ chạy đêm, có thể DN khó mang lại hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, chạy đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Theo đó, do lệch múi giờ nên tài xế khó đảm bảo sức khỏe, dễ buồn ngủ. Đặc biệt, chạy trong đêm, đường vắng lại càng khiến tài xế dễ gây tai nạn. “Nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khi chạy đêm, lúc tờ mờ sáng, đường vắng”, ông Hải nói.
Lãnh đạo một DN vận tải khác thì cho rằng, nếu xe khách chuyên chạy sau 0h, không thận trọng sẽ tạo ra cuộc chạy đua cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe cùng tuyến. Theo đó, các nhà xe có tuyến chạy đêm sẽ lợi dụng hoạt động sai giờ xuất bến theo kiểu danh nghĩa chạy đêm, nhưng lợi dụng chạy ngày. Việc này sẽ đẩy các nhà xe chạy đúng tuyến vào thế thua thiệt, mất khách; làm đảo lộn hoạt động vận tải tuyến cố định.
Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nếu thành phố cho mở trái tuyến sau 0h sẽ gây mất trật tự các tuyến vận tải hành khách cố định, gây rối loạn tổ chức vận tải tại các bến xe. Trong khi đó, lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông khó làm nhiệm vụ thâu đêm suốt sáng ở các tuyến đường, từ đó nảy sinh các vi phạm pháp luật như phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.