Hà Nội: Dự kiến tăng giá nước sạch từ tháng 7-2023

08/05/2023 19:51

Kinhte&Xahoi Sở Tài chính Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố tăng giá nước sạch từ trung bình 8.300 đồng/m3 lên 11.911 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và 13.323 đồng/m3 trong năm 2024.

Ảnh minh họa

Sở Tài chính vừa có Tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Dự kiến, lộ trình áp dụng trong năm 2023 và 2024.

Phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt như sau: Giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7-2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7-2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Tính toán cho thấy, với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ sử dụng 10-16 m3/tháng, theo đó số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng/tháng.

Tại khu vực nông thôn, mức tiêu dùng 50-70 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ là 6-8m3/tháng và số tiền phải chi thêm 10.000-13.000 đồng/tháng.

Theo Sở Tài chính, mức tăng theo lộ trình, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%.

Giá nước sạch sinh hoạt đề xuất điều chỉnh của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh, thành khác. Tiền phải chi trả cho 10m3 nước đầu tiên của Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ, Điện Biên là 80.000 đồng/hộ…

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng giá nước, Sở Tài chính cho hay, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số tăng cơ học, đời sống của người dân càng được nâng cao thì yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn chế.

So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, khai thác nguồn nước ngầm giảm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần thay thế các giếng ngầm không bảo đảm chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

Ngoài ra, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô…

 Hương Thủy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cưỡng chế, phá dỡ 3 du thuyền cuối cùng ''bám trụ'' trên hồ Tây

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 8-5, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) Công Minh Tuấn cho biết, UBND phường phối hợp với các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ đã tổ chức cưỡng chế tháo dời, di chuyển tàu Nàng tiên cá 1 và 2 ra khỏi hồ Tây theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ.

link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1063612/ha-noi-du-kien-tang-gia-nuoc-sach-tu-thang-7-2023