Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường học, nâng tỷ lệ đạt chuẩn

03/04/2023 10:23

Kinhte&Xahoi Trong giai đoạn 2021-2025 thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn. Đồng thời, sẽ đầu tư trên 51 nghìn tỷ đồng để xây dựng các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.

Mới đây, tại cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị làm rõ mức độ đáp ứng của hệ thống trường, lớp, phòng học chức năng để đảm bảo thực hiện chương trình; chính sách khuyến khích xã hội hoá nguồn lực thực hiện chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc

Quy hoạch mạng lưới trường học còn nhiều bất cập

Để làm rõ nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: TP Hà Nội hiện khoảng 21.000 phòng học và 6.200 phòng phục vụ học tập cấp tiểu học và 830 phòng y tế. Cấp THCS có khoảng 13.200 phòng học và 3.159 phòng học bộ môn và có khoảng 2.075 phòng phục vụ học tập; cấp THPT có khoảng 6.000 phòng học và 1.100 phòng học bộ môn, 333 phòng phục vụ học tập, thư viện 246 phòng, thiết bị giáo dục 220 phòng, 230 phòng y tế học đường....

Có khoảng 60% số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn có cơ sở vật chất ổn định và xây dựng kiên cố, đã được giao đất, cho thuê đất hoặc sử dụng đất riêng của gia đình. Với hệ thống trường tiểu học, hầu hết được quận, huyện, thị xã đã phê duyệt sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới, thành lập thêm trường tiểu học, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành trong năm học 2019-2020 hoặc đầu 2020-2021; chuyển đổi, cải tạo một số phòng thành phòng học văn hóa, phòng chức năng, dồn, gom điểm trường lẻ; có các phương án phân tuyến hợp lí nhằm giảm áp lực quá tải sĩ số.

Mặc dù các cấp học vẫn bố trí đi thuê, mượn cơ sở vật chất hoặc ưu tiên, sắp xếp đủ phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh để đảm bảo điều kiện dạy và học, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng thực tế là hiện nay quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP còn những bất cập. Nguyên nhân do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.

Ngoài ra, tỷ lệ huy động học sinh học trường ngoài công lập của các cấp học còn thấp - đặc biệt là giáo dục THPT với ngoại thành, nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn TP vào trường lớp công lập tăng cao. Tại các quận nội thành, thực hiện rà soát các khu đất trống, quản lý chặt chẽ các ô đất đã được quy hoạch, đề nghị các doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây trường học; tiếp tục đầu tư sửa chữa, cải tạo bổ sung các phòng học mới đảm bảo tính chiến lược, hiện đại, tổng thể và lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà báo cáo tại cuộc làm việc

Đầu tư trên 51 nghìn tỷ đồng xây trường đạt chuẩn quốc gia

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời bố trí nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Trong giai đoạn 2021-2025 TP Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn; cải tạo, sữa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.

Theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong giai đoạn 2021-2025 nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là: 51.294 tỷ đồng với 1.649 dự án.

Trong đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với 5.946 tỷ đồng. Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp huyện là 1.510 dự án với tổng mức đầu tư 45.349 tỷ đồng (trong đó đề nghị TP hỗ trợ cấp huyện là 20.390 tỷ đồng).

Về việc mua sắm thiết bị dạy học, đối với cấp Tiểu học và THCS, việc khảo sát, xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 3, 7 năm học 2022-2023 đang được triển khai. Với các trường THPT, TP đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành khảo sát, xây dựng danh mục trang thiết bị dạy học và đề xuất thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu kinh phí cần có khoảng 4.402 tỷ đồng để mua sắm bổ sung thiết bị trường học cơ bản cho khối phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội.

Quang cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TP Hà Nội 

Thời gian tới, TP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô sửa đổi tạo hành lang pháp lý thuận lợi phát triển sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, có những chính sách khuyến khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do TP quy định.

 Giai đoạn 2021-2025 Hà Nội có nhu cầu xây mới 135 trường ngoài công lập, với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng. Vì vậy, TP sẽ đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn xã hội hóa phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài công lập. Khuyến khích đa dạng hóa phát triển trường lớp ngoài công lập và hội nhập quốc tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết.

 Thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp đảm bảo đủ số trường, lớp theo quy định. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học các cấp nhằm đảm bảo hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học phục vụ phát triển GD&ĐT Thủ đô; bố trí các nguồn vốn đầu tư xây mới trường học, bổ sung thêm phòng học và cải tạo trường, lớp học tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở để xây trường học công lập.

Từ thực tiễn khảo sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị UBND TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn TP để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học; tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Cùng đó, quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình đổi mới sách giáo khoa và giáo dục phổ thông có hiệu quả. 

Thịnh An - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồ sơ tuyển sinh trẻ mầm non và học sinh lớp 1, lớp 6 gồm những gì?

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thời điểm này, các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị và tổ chức triển khai công tác tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2023-2024. Một trong những nội dung quan trọng là phổ biến đến cha mẹ học sinh những giấy tờ cần thiết để chủ động chuẩn bị.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-du-kien-xay-dung-moi-433-truong-hoc-nang-ty-le-dat-chuan.html