Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có Công văn số 1588/KSBT-PCBTN về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh cúm mùa.
Hiện nay, tình hình bệnh cúm mùa tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận của CDC Hà Nội, số ca mắc cúm mùa trong tháng 6 đã tăng so với tháng 5/2022. Đồng thời, ghi nhận gia tăng các trường hợp đi khám và chẩn đoán mắc cúm mùa tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội. Trong đó đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh nặng có viêm phổi nặng, suy hô hấp.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Theo số liệu thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ ngày 1/1/2022 đến 18/7/2022, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng trong 2 tháng gần đây. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5 số mắc tăng cao, đặc biệt trong tháng 6 ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).
Về tổng số ca mắc cúm trên địa bàn TP đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 252 ca, phân bổ tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú. 71 trường hợp chỉ định nhập viện (chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền, hầu hết khỏi sau 3 - 4 ngày điều trị) và ghi nhận 1 trường hợp viêm phổi nặng suy hô hấp. Hiện, bệnh viện còn khoảng 20 bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.
Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi (44,1%); nhóm tuổi 18 - 49 tuổi (39,7%); nhóm tuổi 6 - 18 tuổi (11,8%); nhóm tuổi trên 50 tuổi (4,4%).
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận số người đến khám do mắc cúm có xu hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo về tình hình khám, thu dung điều trị các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp nghi nhiễm cúm mùa đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện trong thời gian từ 1/7 đến 15/7/2022 cho thấy: Trong 2 tuần đầu tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm (chiếm tới 52,8% số lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm tới khám tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm là 1.068/2.020).
Số trường hợp bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi/nhiễm cúm, trong đó bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%, cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca, chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm, trong đó có 2 trường hợp viêm phổi ARDS nhập viện.
Trong thời gian tới, bệnh cúm tiếp tục có xu hướng gia tăng, nhất là trong nửa đầu tháng 7. Hầu hết trường hợp mắc có biểu hiện nhẹ, điều trị ngoại trú. Các trường hợp nhập viện thường là đối tượng trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền, người già.
Để chủ động kiểm soát và phòng ngừa bệnh cúm mùa, CDC Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao (cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân các khu công nghiệp…) để kịp thời phát hiện, xử lý sớm khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế tập trung thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.
Các đơn vị rà soát, kiện toàn lại đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó với những tình huống khi dịch lây lan trên địa bàn.
Các đơn vị tăng cường công tác truyền thông những biện pháp phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Trần Thảo - TTTĐ