Hà Nội gỡ vướng mắc, tăng tốc cải tạo chung cư cũ

17/07/2022 11:52

Kinhte&Xahoi Hà Nội đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cải tạo chung cư cũ trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo vốn bế tắc hàng chục năm nay trên địa bàn thành phố.

Quyết tâm triển khai, đảm bảo chỉnh trang đô thị

Tổng hợp của ngành chức năng Hà Nội cho thấy, trong tổng số 1579 tòa chung cư cũ trên địa bàn thì có khoảng 40 nhà tập thể, chung cư cũ ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm như tại Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai… Đây là những dãy nhà đã được báo động mất an toàn, nguy cơ đổ sập vào bất cứ lúc nào, nhưng đến nay việc triển khai sửa chữa vẫn rất chậm chạp.

Các chung cư cũ trên địa bàn thành phố

Đến nay, các nhà chung cư cũ cơ bản không đáp ứng được tình trạng gia tăng dân số; hình thức kiến trúc cảnh quan bên ngoài nhà bị phá vỡ do diện tích căn hộ nhỏ, phần lớn các hộ dân tự cơi nới thêm diện tích “chuồng cọp”.

Bên cạnh đó, các nhà chung cư cũ xây dựng chưa đáp ứng được công tác phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm khi có sự cố; hệ thống cấp nước chung cho tòa nhà không đồng bộ. Hệ thống thoát nước thải không được duy trì thường xuyên dẫn đến tình trạng ứ đọng, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Các tiện ích công cộng, trường học, sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa tại khu vực các nhà chung cư bị thiếu hụt.

Tại kỳ họp thứ 2, khóa 16 vừa qua, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đây được xem là cơ sở quan trọng để Hà Nội gỡ được nút thắt vướng mắc.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Đồng thời, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng kiểm định, rà soát thực trạng chưng cư cũ, nhất là đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và C cận D).

Liên quan công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 01-QĐ/BCĐ về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành phố hạ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị, góp phần phát triển đô thị và kinh tế đô thị toàn thành phố trong giai đoạn tới.

Cụ thể, thành phố đang nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc thẩm quyền của thành phố, trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố; dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Thành phố cũng phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định tất cả chung cư cũ trước quý I/2023

Lựa chọn nhà đầu tư

Về kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, đến nay, công tác triển khai vẫn đang bám sát Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội - đợt 1.

Theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, thành phố sẽ thực hiện toàn bộ dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư hoặc phân kỳ đầu tư để thực hiện nhưng ưu tiên phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng trước; các nhà chung cư còn lại trong khu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt.

Khu tập thể C8 Giảng Võ xuống cấp nghiêm trọng

Đến nay, đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Nếu như trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư), Nhà nước sẽ bỏ tiền thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn.

Theo đánh giá, Nghị định 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó xác định rõ việc lập, phê duyệt kế hoạch cho đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., được kỳ vọng đẩy mạnh tiến trình đã ách tắc nhiều năm qua.

Theo đó, Hà Nội sẽ hoàn trả (không thu tiền) diện tích căn hộ tái định cư tại chỗ với hệ số k = 1 so với diện tích hợp pháp của căn hộ cũ. Trường hợp tái định cư tại chỗ có diện tích lớn hơn thì chủ sở hữu phải trả tiền mua diện tích tăng thêm với giá thành xây lắp cộng 10% lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư.

Hộ dân ở tầng một được thuê diện tích kinh doanh tại khu vực dịch vụ của dự án. Hộ dân có quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở hợp pháp nếu tái định cư tại chỗ bằng nhà và đất ở thì được áp dụng hệ số k = 1. Hộ dân thuộc các dự án trong khu vực bốn quận nội thành cũ nếu di chuyển ra ngoài vành đai 3 được áp dụng hệ số k gấp hai lần so với tái định cư tại chỗ.

Cũng theo đề xuất của Hà Nội, cơ chế tài chính được xác định trên cơ sở đặc thù của từng dự án. Trường hợp không tự cân đối tài chính thì nhà đầu tư được xem xét, bố trí dự án khác để bù đắp tài chính khi thực hiện dự án.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trường trung học phổ thông không được kiểm tra để chia lớp

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 16-7 thông tin, các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu nhận hồ sơ trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 năm học 2022-2023. Việc tổ chức nhận hồ sơ được thực hiện đúng quy định về mức điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-go-vuong-mac-tang-toc-cai-tao-chung-cu-cu-201241.html