Hà Nội: Hơn 3.000 dữ liệu vi phạm giao thông được nhập lên phần mềm sau gần một tháng

28/03/2022 12:32

Kinhte&Xahoi Bắt đầu từ ngày 1/3, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội tiếp tục ứng dụng việc xử phạt trong lĩnh vực giao thông và đăng ký phương tiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia ở mức độ cao hơn để phục vụ người dân thuận tiện nhất. Sau gần 1 tháng triển khai, việc nộp phạt online cho thấy hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Trước đó, đơn vị đã triển khai công tác xử phạt, giải quyết thủ tục hành chính đạt mức độ 1 và 2. Hầu hết trường hợp xử phạt, giải quyết thủ tục hành chính hiện nay đều được Cảnh sát giao thông Hà Nội đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, người dân có thể chủ động tra cứu, bố trí thời gian giải quyết.

Tính đến nay, đơn vị đã nhập hơn 3.000 dữ liệu vi phạm lên phần mềm do Phòng Cảnh sát giao thông quản lý; có 353 trường hợp vi phạm nộp phạt theo hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị Cảnh sát giao thông

Một ngày, Trung tâm Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông tiếp nhận hàng nghìn dữ liệu vi phạm giao thông để từ đó phân loại và xử lý.

Thiếu tá Lý Thị Thu Trang, Phó Đội trưởng Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông tin thêm, qua công tác thống kê, từ ngày 1/3 đến nay, đơn vị đã xử lý gần 200 trường hợp người điều khiển phương tiện bị phạt nguội, nộp phạt qua dịch vụ công và nhận giấy tờ. Thay vì người vi phạm phải đến cơ quan công an nộp phạt, nhận giấy tờ thì nay người vi phạm ở nhà nộp phạt qua cổng dịch vụ công, nhận lại giấy tờ tại nhà.

“Quá trình làm việc, Cảnh sát giao thông sẽ hướng dẫn người vi phạm thực hiện nộp phạt qua hệ thống dịch công”, Thiếu tá Lý Thị Thu Trang cho biết.

Là người vi phạm, anh Lê Văn Bình (sinh năm 1983, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã được Cảnh sát giao thông hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ Công quốc gia để thực hiện các bước nộp phạt trực tuyến. Anh Bình cho biết ứng dụng thuận tiện và dễ sử dụng.

Còn anh Nguyễn Bảo Long (sinh năm 2002, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ, sẽ truyền đạt tiện ích này để người thân và bạn bè được biết.

"Nhiều người còn tuyên truyền ngược lại khi gặp Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên đường về tiện ích của dịch vụ công. Người dân khi được hướng dẫn xử phạt qua dịch vụ công đều rất hào hứng. Nhiều người cho biết đã nắm thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng nên việc xử lý rất thuận lợi”, Đại uý Nguyễn Minh Thắng, Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho biết.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân cách nộp phạt online

Thực tế cho thấy, sau một tháng thúc đẩy việc nộp phạt vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia ở cấp độ cao hơn thì hình thức này rất phù hợp trong bối cảnh phòng chống COVID-19 hiện nay.

Đại úy Đặng Thị Hà Thu, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, hiện nay, lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông đã được nâng lên cấp độ 4 để tạo thuận tiện cho người dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ này trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

"Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm tại hiện trường sẽ hỏi người vi phạm có muốn nộp phạt online qua cổng dịch vụ công không. Nếu người vi phạm muốn nộp online sẽ khai báo số điện thoại, địa chỉ nhận các giấy tờ bị tạm giữ. Khi biên bản vi phạm chuyển về trụ sở, Cảnh sát giao thông sẽ nhập dữ liệu biên bản lên dịch vụ công trực tuyến để người vi phạm có thể truy cập vào thực hiện nộp phạt", Đại úy Hà Thu chia sẻ.

Theo dõi thông tin để xử lý "phạt nguội"

Còn với trường hợp bị "phạt nguội", khi nhận được thông báo vi phạm hoặc tra cứu được vi phạm trên hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm giao thông, người vi phạm sẽ tự đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để khai báo thông tin liên quan, số điện thoại, địa chỉ nhận giấy tờ... để được thực hiện nộp phạt online.

So với trước đây, người vi phạm giao thông phải đến ngân hàng, kho bạc nộp phạt, rồi quay lại trụ sở Cảnh sát giao thông nơi lập biên bản vi phạm hoàn tất thủ tục, lấy giấy tờ về thì hiện nay, chỉ việc ngồi nhà thanh toán online và đợi bưu điện chuyển giấy tờ tới. Điều này một lần nữa cho thấy, đây là cách nộp phạt hiệu quả, nhất là trong thời gian dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Lực lượng chức năng cho người dân xem lại hình ảnh vi phạm

Được biết, để thúc đẩy người vi phạm giao thông chọn cách nộp phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn qua các kênh thông tin, trong đó, chú trọng tuyên truyền khi lập biên bản vi phạm.

Để thực hiện được việc nộp phạt trực tuyến vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người dân cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html và thực hiện theo hướng dẫn.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, trong bối cảnh công nghệ phát triển và dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp là không cần thiết. Hướng tới xử phạt và giải quyết các thủ tục hành chính được nâng lên cấp độ 3 và 4 thì các lỗi vi phạm trên đường sẽ được Cảnh sát giao thông lấy thông tin người vi phạm, sau đó ghi biên bản điện tử trên hệ thống dịch vụ công.

Người dân sẽ được hệ thống gửi cho một mã số qua điện thoại để về nhà tra cứu, tiến hành nộp phạt trực tuyến. Hình thức này cũng giúp người dân sống ở đâu thực hiện nộp phạt ở đó, không cần phải đến tận nơi (địa phương) vi phạm để nộp phạt. Phòng Cảnh sát giao thông đã hướng dẫn cụ thể 9 bước xử lý trên điện thoại cho người dân biết và thực hiện.

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đại biểu chuyên trách thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba

Sáng 28-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Hội nghị họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) kết hợp với họp trực tuyến.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ

Những năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển với vai trò là mắt xích trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng và bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hon-3000-du-lieu-vi-pham-giao-thong-duoc-nhap-len-phan-mem-sau-gan-mot-thang-192756.html