Hà Nội luôn phối hợp tốt trong tổ chức giám sát của Quốc hội

04/11/2021 14:41

Kinhte&Xahoi Tham luận tại hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, sáng 4/11, thay mặt HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã thể hiện rất cao trách nhiệm trong công tác phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tại thành phố Hà Nội với 33 chuyên đề giám sát. Các nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, các vấn đề an sinh được cử tri quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà tham luận tại hội nghị

Việc phối hợp và tham dự các buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH Thành phố đã giúp HĐND các cấp Thành phố có thêm nhiều thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND các cấp Thành phố. Nắm bắt tình hình kinh tế xã hội và kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tính hiệu quả, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của HĐND; dự báo và đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp thiết của địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị trên địa bàn. Ngoài ra, Thường trực HĐND Thành phố đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị tại báo cáo của các Đoàn giám sát, kịp thời đôn đốc, theo dõi các đơn vị việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát.
 
Trên cơ sở quy định của Luật và tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ các Đoàn giám sát của Quốc hội, trong nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thường trực HĐND Thành phố đã tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND các cấp nhất là trong việc lựa chọn các nội dung chuyên đề giám sát đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề khó khăn cần tháo gỡ của địa phương, đặc biệt là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, gây bức xúc, được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm và đề xuất. Đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND tại các địa phương thực hiện giám sát.
 
Kết quả, trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐND, Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức được 23 cuộc giám sát, khảo sát; 04 Ban HĐND Thành phố tổ chức được 154 cuộc giám sát, khảo sát; các Tổ đại biểu HĐND Thành phố cũng đã tổ chức được 65 cuộc giám sát, khảo sát tại địa bàn ứng cử. HĐND cấp huyện đã thành lập 2.350 Đoàn giám sát; HĐND cấp xã đã thành lập 14.033 Đoàn giám sát. Trong nhiệm kỳ, cấp Thành phố có 919 kiến nghị sau giám sát, tỷ lệ giải quyết xong đạt 94,3%; cấp huyện có tổng số 12.615 kiến nghị sau giám sát, tỷ lệ giải quyết xong đạt 89%; cấp xã có 32.307 kiến nghị, tỷ lệ giải quyết xong đạt 91%. Trong đó, có kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương. Sau giám sát, một số lĩnh vực đã có chuyển biến rõ rệt, như: công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; Phòng cháy, chữa cháy; quản lý đô thị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân…
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của HĐND Thành phố tại các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy Ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND), xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong xây dựng các Luật chuyên ngành cần quy định rõ thẩm quyền của HĐND, của Thường trực HĐND để đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, trong đó, quy định các chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
 
Cùng với đó, tăng cường hoạt động hướng dẫn, trao đổi về nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, nhất là giám sát chuyên đề giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; đồng thời, trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động giám sát chuyên đề giữa các cơ quan. Nghiên cứu phân công cơ quan chuyên trách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm nhiệm vụ, theo dõi, tổng hợp, tham mưu để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
 
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Quốc hội và HĐND các cấp thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trong các hoạt động, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề.
 
Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đồng thời, tăng cường giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về việc giải quyết các kiến nghị của địa phương và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
 
Nghiên cứu ứng dụng CNTT trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cũng cho biết, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó, có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, đảm bảo thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát.

 Nguyễn Hợp- HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://m.hanoi.gov.vn/web/guest/chidaodieuhanh/-/hn/t0gZB5w6V7Wh/3502/2849117/ha-noi-luon-phoi-hop-tot-trong-to-chuc-giam-sat-cua-quoc-hoi.html?fbclid=IwAR3pSq1EHL9gZzjsQqsbLAwvfr1CDxVQXWfl1bpSe01WrfNn8J1Bx-bnBIk