Phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) từ lâu đã diễn ra tình trạng gạch lát vỉa hè bong tróc, gập ghềnh. Từ ven gốc cây cho đến mép đường là những viên gạch lát lật, vỡ.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), đoạn vòng xuyến nối giữa Trần Thái Tông - Phạm Văn Bạch, Tôn Thất Thuyết. Từng viên gạch vỡ lởm chởm trên vỉa hè tạo thành những hố rộng như "bẫy" người đi đường.
Khác với 2 đoạn đường trên, tại đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đoạn vỉa hè trước cổng trường THCS Phú Đô dù xung quanh đã được hoàn thiện, lát gạch mới, nhưng vẫn còn 1 khoảng rộng chưa được hoàn thiện. Thời tiết hanh khô, gió cuộn cát bay lên, bụi bay dọc 1 đoạn vỉa hè. Tình trạng này diễn ra khoảng gần 1 tháng nay. Dù có rào chắn nhưng nhiều người dân khi di chuyển qua điểm này vẫn bức xúc.
"Gần tháng nay, chỗ đó vẫn chưa được lát gạch hoàn thiện. Tôi cũng không rõ nguyên nhân, chỉ biết hố cát cứ như vậy chắn rào lại", một người dân bán nước gần cổng trường THCS Phú Đô cho biết.
Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình về tình trạng vỉa hè các tuyến phố nội đô Hà Nội bị bong tróc, gạch lát vỡ từng viên. Năm 2016, thành phố Hà Nội đã ban hành quy định về cải tạo hè phố. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được lát bằng đá tự nhiên. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra tại nhiều con phố, thậm chí nhiều đoạn dù mới được "chỉnh trang" cũng nhanh chóng xuống cấp.
Một số hình ảnh được ghi nhận trên phố Duy Tân, Lê Quang Đạo, Trần Thái Tông:
Phố Duy Tân (quận Cầu Giấy)
Những viên gạch bong tróc, gập ghềnh.
Quanh gốc cây...
... đến mép đường, gạch bong gập ghềnh.
Thậm chí có đoạn gạch lát đã mất hoàn toàn, tạo thành hố rộng.
Vỉa hè đoạn đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy).
Vỉa hè trên đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đoạn trước cổng trường THCS Phú Đô.
Dù xung quanh đã được lát đá vỉa hè hoàn thiện, nhưng khoảng trống trên vỉa hè này vẫn "nằm im" gần 1 tháng nay
Ngọc Nga - Pháp luật Plus