Hà Nội: Những tồn tại của các lò gạch gây ô nhiễm trên địa bàn huyện Quốc Oai

11/11/2019 16:02

Kinhte&Xahoi Hiện nay trên địa bàn huyện Quốc Oai, tại xã Phú Cát và xã Hòa Thạch, các lò vẫn đang vô tư hoạt động, mặc dù theo lộ trình phải chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2018.

Ngày 23/7/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3328/UBND-ĐT về việc triển khai kế hoạch rà soát, phân loại, đề xuất lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn (theo báo cáo của liên ngành tại Văn bản số 5410/SXD-KTXD ngày 21/6/2018 của Sở Xây dựng).

Nhiều lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NB&CL

Tiếp đó ngày 25/9/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 4509/UBND-ĐT, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung, giao Sở Xây dựng chủ trì, đôn đốc tổ chức thực hiện theo quy định, thường xuyên, định kỳ báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất những nội dung vượt quá thẩm quyền.

Trên cơ sở quy hoạch vật liệu xây dựng của thành phố đã được phê duyệt, kiểm tra, rà soát đề xuất, báo cáo UBND thành phố thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. UBND TP Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện căn cứ lộ trình, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra; đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình duy trì hoạt động thì lập hồ sơ xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.

Qua ghi nhận thực tế, đến nay trên địa bàn một số huyện đã xóa bỏ hết những lò gạch không đảm bảo theo quy định (như huyện Phúc Thọ). Bên cạnh đó, một số huyện vẫn còn tồn tại các lò vòng, lò công nghệ không đảm bảo mà theo quy định thì hết ngày 31/12/2018 buộc phải chấm dứt (như huyện Sóc Sơn, Quốc Oai,…) gây mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường. 

Ngày 19/8/2019 UBND huyện Quốc Oai đã có Kế hoạch số 180/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chấm dứt lò gạch cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn huyện năm 2019, theo đó thì: Thực hiện thông báo số 957/TB-UBND ngày 10/8/2018 của UBND huyện về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn huyện. Xét hợp đồng thuê đất của UBND các xã, thị trấn với các chủ lò gạch trên địa bàn.

UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công, cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn huyện năm 2019 như sau: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Xây dựng thành phố về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn huyện, tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo đảm vệ sinh môi trường và kiến nghị của nhân dân trên địa bàn huyện. Cương quyết xử lý theo lộ trình, trong quá trình thực hiện cần xác định rõ lộ trình, thiết lập hồ sơ chặt chẽ, đúng theo quy trình, thẩm quyền; việc xử lý phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ công khai, khách quan, theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện trên địa bàn theo thống kê còn 10 chủ cơ sở có tên trong danh sách thực hiện chấm dứt hoạt động trong năm 2019, tập trung ở các xã: Tân Hòa, Hòa Thạch, Phú Cát, Ngọc Liệp và Thị Trấn. Trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Hòa Thạch.

Trong kế hoạch cũng đã nêu rõ: Đối với các lò còn đang hoạt động, giao cho UBND các xã tổ chức rà soát hồ sơ xử lý theo chỉ đạo của UBND thành phố, đôn đốc các chủ lò gạch tự giác chấp hành các nội dung đã cam kết, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền vận động các chủ lò tự giác chấp hành, ban hành thông báo chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, yêu cầu tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng trước ngày 22/8/2019, đối với các cơ sở sản xuất yêu cầu dừng hoạt động các phương tiện máy móc, xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Ban hành Quyết định cưỡng chế và xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế các chủ lò cố tình không thực hiện trước ngày 01/9/2019, tổ chức cưỡng chế vi phạm trước ngày 20/9/2019, lập bản đồ, hồ sơ quản lý xong trước ngày 30/9/2019.

Mặc dù đã xây dựng kế hoạch, thiết lập các văn bản liên quan đến xử lý vi phạm của các lò gạch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn còn tồn tại mà chưa xử lý được. Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Phải chăng các văn bản kế hoạch được thiết lập ra chỉ là để chống chế, hay các cấp chính quyền ở đây “bất lực”, các chủ lò có phớt lờ sự chỉ đạo của xã, huyện? Và việc lui thời hạn dừng hoạt động có được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội hay không?

Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bi kịch 'lao động chui' sang Trung Quốc

Biết rõ rủi ro khi vượt biên tìm kiếm việc làm, thế nhưng hàng chục ngàn người dân ở Lạng Sơn và các tỉnh vẫn liều mình sang Trung Quốc. Nhiều trường hợp gặp nạn thương tâm xảy ra, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Nguồn: KD&PL