Hà Nội quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa

16/08/2022 08:51

Kinhte&Xahoi Sáng 16/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp tới trực tuyến tới 625 điểm cầu trên địa bàn thành phố với sự tham dự của 26.374 đại biểu.

Quang cảnh hội nghị

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Âm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản...phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; Cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống chỉ tiêu thống kê, triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đảm bảo cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính liên thông và chuyên nghiệp; Đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá Hà Nội; Đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích Quốc gia, di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long..; Giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tin, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; Là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á; Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của TP.

Mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế; Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của TP.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, Hà Nội đã tổ chức 2 buổi hội thảo khoa học, 4 cuộc tọa đàm, các hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp, nghệ sĩ, trí thức… . Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Tập trung nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Ngày 15-8, tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng…

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-09-nqtu-ve-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-203571.html