Theo đó, thành phố yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện có khu công nghiệp rà soát tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp; chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện phần hạ tầng chưa xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Đồng thời, thành phố yêu cầu đôn đốc các đơn vị được giao chỉnh trang các khu công nghiệp đang hoạt động; phối hợp rà soát nhu cầu nhà ở công nhân, rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân và các công trình thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, theo quy hoạch được duyệt; 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, thành phố hiện có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy gần 100%; 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút dự án đầu tư.
Đến thời điểm này, một số khu công nghiệp hoạt động từ 15 năm đến 20 năm, có khu công nghiệp hoạt động trên 20 năm, song về cơ bản chưa được chủ đầu tư hạ tầng quan tâm duy tu, cải tạo thường xuyên, dẫn đến tình trạng xuống cấp về hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường.
Một số khu công nghiệp đã hình thành và hoạt động nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ.
Mặt khác, trong tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng), với thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân còn chậm, một số khu nhà ở công nhân chưa được chú trọng các hạng mục thiết chế văn hóa.
Thanh Hiền - Hà Nội mới