Hà Nội: Số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng

13/04/2024 16:04

Kinhte&Xahoi Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 5-4 đến 12-4), trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 161 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng 37 trường hợp so với tuần trước đó).

Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện, trong đó một số địa bàn có nhiều bệnh nhân, gồm: Ba Vì 23 ca, Hà Đông 14 ca, Thanh Trì 12 ca, Ba Đình và Hoàng Mai đều ghi nhận 10 ca.

Cán bộ y tế quận Hai Bà Trưng kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Ảnh: Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng

Ngoài ra, trong tuần có thêm 3 ổ dịch tay chân miệng, trong đó huyện Ba Vì ghi nhận 2 ổ dịch và quận Thanh Xuân có 1 ổ dịch.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 585 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Ngoài ra, thành phố cũng đã ghi nhận 9 ổ dịch từ đầu năm đến nay. Hiện còn 5 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 3 ổ dịch tại Ba Vì, Đông Anh và Thanh Xuân có cùng 1 ổ dịch.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh tại huyện Ba Vì và Đông Anh.

Trong tuần tới, ngành Y tế thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xử lý dịch triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh này tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.

Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ.

Theo CDC Hà Nội, bệnh tay chân miệng ở trẻ khi không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách kịp thời, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Hiện bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa nên bố mẹ cần chủ động thực hiện tốt 6 biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả đối với trẻ, gồm: Vệ sinh tay chân sạch sẽ với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vệ sinh đồ chơi, đồ dùng; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu mắc bệnh.

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cần quy định cụ thể về trừ điểm giấy phép lái xe

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật) là quy định về trừ điểm giấy phép lái xe. Tán thành với nội dung này nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng, lạm dụng khi thực thi.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ha-noi-so-ca-mac-tay-chan-mieng-tiep-tuc-tang-663545.html