Hà Nội: Thời tiết trở lạnh, gia tăng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp

22/12/2022 19:48

Kinhte&Xahoi Thời tiết trở lạnh mùa đông là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh gia tăng, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là với các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ, người già, người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh hô hấp khi trời lạnh

Sau khi thời tiết tại Hà Nội chuyển biến rõ rệt, trời trở lạnh đột ngột khiến số lượng bệnh nhân là người cao tuổi phải tới kiểm tra, thăm khám ở các bệnh viện tăng đột biến.

Một số bệnh thường gặp nhất trong bối cảnh thời tiết rét đậm như hiện nay là viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi… Trong đó, các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp là: cúm, viêm xoang, viêm thanh quản… còn các nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc đường hô hấp

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cảnh báo thời điểm này, cơ thể rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, cúm…

Với những người có sẵn bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, COPD có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn do đường thở vốn đã viêm và tổn thương, khi gặp không khí lạnh càng dễ bị tắc nghẽn nặng hơn, nhiều trường hợp phải nhập viện vì những đợt kịch phát của bệnh.

PGS. Hạnh khuyến cáo giữ ấm đường thở là một trong những biện pháp quan trọng nhất cần thực hiện để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh. Đường thở bao gồm mũi, họng, phế quản, phổi là những bộ phận rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với không khí lạnh, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, người có bệnh nền.

Ngoài các bệnh thông thường về hô hấp dễ mắc trong mùa đông, ở bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm. Do vào mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm (đặc biệt là hít phải bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than...), bệnh dễ tái phát, gây khó thở.

Những căn bệnh này thường có diễn biến nặng do không được phát hiện từ sớm và không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể không nguy hiểm với người bình thường nhưng với người cao tuổi, người nhiều bệnh nền, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Không chủ quan với bệnh hô hấp mùa lạnh

 Theo các chuyên gia, trong thời điểm giao mùa, đặc biệt khi nhiệt độ giảm sâu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mặc dù có thể thuyên giảm và khỏi sau khi nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng, uống nhiều nước và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ... nhưng đôi khi có những trường hợp có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe và mất thời gian trong điều trị.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh hô hấp

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, theo các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh cho trẻ nhỏ, cha mẹ đặc biệt lưu ý giữ ấm cho con. Khi trẻ đến trường cần mặc ấm cho con, nhất là giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn...

Bên cạnh việc chú ý giữ vệ sinh cá nhân, phụ huynh cần giữ đường hô hấp cho con sạch sẽ, làm sạch mũi cho con mỗi ngày.

Ngoài ra, phụ huynh nên tăng cường đề kháng, miễn dịch cho con bằng cách cho con ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, đồng thời duy trì chế độ sinh hoạt ngủ nghỉ đảm bảo khoa học.

Khi thấy con có biểu hiệu ho, sổ mũi, nghẹt mũi… phải làm thông thoáng đường thở bằng việc lau mũi, hút mũi, nhỏ mũi cho con thường xuyên. Cha mẹ cần thường xuyên nhỏ mũi cho con bằng dung dịch nước muối sinh lý trước, sau đó hút sạch bằng dụng cụ hút mũi. Nếu trẻ lớn thì cha mẹ hướng dẫn con hỉ mũi ra.

Nếu con ho khan gây kích thích nhiều thì mới cần sử dụng thuốc giảm ho. Các thuốc giảm ho nên dùng loại chứa thảo dược vì hiếm khi gây tác dụng phụ, nhưng tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nếu thấy con sốt trên 38,5 độ thì cho con uống hạ sốt và nhiều nước. Con vẫn cần bú (đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), ăn bình thường. Cha mẹ nên chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hóa và giảm bớt nôn trớ. Nếu không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trẻ sẽ không có sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Nếu trẻ bị cảm lạnh trong vài ngày và đột nhiên bị sốt cao, ho nặng hơn, đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám. Bên cạnh đó, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa như: cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà… để được bảo vệ một cách tối đa.

Đối với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính như hen, COPD, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ để tránh các đợt cấp nặng lên của bệnh.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thoi-tiet-tro-lanh-gia-tang-benh-nhan-mac-benh-ho-hap-214015.html