Hà Nội tiếp tục nghiên cứu tổ chức lại giao thông một số khu vực

05/07/2022 17:04

Kinhte&Xahoi Sau khi điều chỉnh, tổ chức lại giao thông tại một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, bước đầu cho thấy hiệu quả đem lại khá rõ rệt. Tình trạng ùn tắc giao thông giảm hẳn, việc di chuyển của người dân cũng thuận tiện hơn. Do đó, thành phố Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu tổ chức tại giao thông tại một số khu vực khác.

Hiệu quả từ việc tổ chức lại giao thông

 Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thí điểm tổ chức phân luồng phương tiện tại khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Nút giao Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập; Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; Nút giao Ngã Tư Sở sau khi tổ chức đếm lưu lượng phương tiện lưu thông từ ngày 18/6 dến 2/7.

Sau hơn hai tuần thí điểm phân luồng phương tiện, bước đầu tại những “điểm nóng” giao thông đã có những tín hiệu tích cực. Tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể, việc di chuyển của người dân khá thuận lợi, tại các nút giao không xảy ra va chạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Tại nút giao Ngã Tư Sở, tình hình giao thông đã được cải thiện đáng kể. Dòng phương tiện trên tuyến đường Trường Chinh - Láng (Vành đai 2) chờ qua nút giao đã giảm từ 3-4 chu kỳ đèn xuống còn 1-2 chu kỳ.

Dòng phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (hướng về trung tâm thành phố) chờ thông qua nút giao giảm từ 5-6 chu kỳ đèn xuống còn 2-3 chu kỳ. Các điểm quay đầu trên đường Trường Chinh và đường Láng đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông.

Ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở đã được cải thiện sau khi tổ chức lại giao thông

Đối với các nút Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập, tình hình giao thông cũng được cải thiện. Đặc biệt, trên trục đường Trần Duy Hưng (hướng từ cầu Trung Hòa về trung tâm thành phố), tình trạng ùn ứ kéo dài trong các khung giờ cao điểm và các ngày cuối tuần đã được giải quyết.

Trong khi đó, xung đột giao thông tại khu vực đầu cầu vượt Nguyễn Chánh trên tuyến đường Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân cũng giảm đáng kể. Tương tự, ùn tắc cũng giảm rõ rệt tại khu vực nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh và các tuyến đường lân cận.

Anh Vũ Quyết Tiến (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Hàng ngày, tôi phải đi làm qua nút giao Ngã Tư Sở rất vất vả. Vào giờ cao điểm, có hôm tôi phải chờ đèn đỏ tận 10-15 phút mới có thể thoát ra khỏi khu vực đó. Tuy nhiên, từ ngày tổ chức lại giao thông, lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường vẫn đông nhưng việc di chuyển nhịp nhàng hơn và không còn tình trạng ùn tắc kéo dài. Hi vọng, thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến để cải thiện tình trạng giao thông Thủ đô".

Tiếp tục điều chỉnh tại một số “điểm nóng” giao thông

 Mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông đã phần nào được giải quyết, song trong quá trình thí điểm vẫn còn xảy ra một số bất cập. Theo đó, tại các nút giao thí điểm vẫn còn hiện tượng người điều khiển phương tiện không chấp hành biển chỉ dẫn, gây xung đột và cản trở các dòng phương tiện lưu thông.

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết: "Qua quá trình theo dõi, chúng tôi đã đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý, để người dân quen với phương án tổ chức giao thông mới”.

Trong quá trình thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xác định các bất cập và kiến nghị thành phố chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông tại khu vực trung tâm nút giao và các tuyến đường lân cận.

Cùng với đó, Sở cũng theo dõi, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp với lưu lượng phương tiện. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm tình trạng đi ngược chiều từ đường Khương Đình ra đường Nguyễn Trãi và các điểm quay đầu (nút giao Ngã Tư Sở); Đi ngược chiều trên đường Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Thập (nút giao Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân), đường Tố Hữu, Vũ Trọng Khánh (nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh)…

Hà Nội tiếp tục thí điểm điều chỉnh tại một số “điểm nóng” giao thông

Theo ông Trần Hữu Bảo, hiện thành phố Hà Nội đang tiếp tục xây dựng phương án điều chỉnh tổ chức giao thông tại các “điểm nóng” ùn tắc khác, như: Khu vực nút giao giữa đường Cầu Bươu và đường Nguyễn Xiển - Xa La thuộc dự án xây dựng cầu vượt qua đường 70; Thí điểm phân làn phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến). Cùng với đó, xem xét điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.

Đối với khu vực nút giao giữa đường Cầu Bươu và đường Nguyễn Xiển - Xa La dự kiến sẽ mở rộng mặt đường tại vị trí cống Bươu (qua mương Yên Xá); Mở rộng mặt đường kết hợp thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường từ khu vực cầu Bươu đến nút giao Xa La và nút giao cầu vượt qua đường 70. Đồng thời tổ chức lại giao thông khu vực nút giao.

Dự án này đang được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố cho phép xử lý theo hình thức dự án cấp bách. Còn phương án thí điểm phân làn phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi dự kiến thực hiện từ ngày 15 đến 30/7 tới.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc. Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông được yêu cầu chủ trì cùng các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức đếm lưu lượng phương tiện tất cả các hướng đi tại một số nút giao.

Căn cứ số liệu đếm lưu lượng phương tiện tính toán khả năng thông hành của các nút, Ban Duy tu hạ tầng giao thông đề xuất các giải pháp, phương án điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những điều thí sinh cần lưu ý trước ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chiều mai (6-7), gần 98.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội có mặt tại 181 điểm thi để làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Cùng với việc sẵn sàng về kiến thức, kỹ năng, các thí sinh cũng cần ghi nhớ quy chế thi, nhất là trách nhiệm của cá nhân, xác định rõ những việc được và không được phép làm khi tham dự kỳ thi. Nếu vi phạm quy chế thi, tùy từng mức độ, thí sinh có thể không được xét công nhận tốt nghiệp, cũng mất cơ hội xét tuyển đại học.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-tiep-tuc-nghien-cuu-to-chuc-lai-giao-thong-mot-so-khu-vuc-200293.html