Hai dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội chậm tiến độ: Không để “gỡ khó” thành “khó gỡ”

17/03/2022 09:38

Kinhte&Xahoi Dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực song ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cộng với điều kiện địa chất phức tạp và thủ tục, điều chỉnh hồ sơ thiết kế đã khiến cho hai dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội là xây dựng cầu vòm sắt hồ Linh Đàm và mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm bị chậm tiến độ. Hiện chủ đầu tư và các bên liên quan đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, không để thành "khó gỡ" nhằm sớm hoàn thành hai công trình này.

Công nhân thi công cầu vòm sắt hồ Linh Đàm. Ảnh: Tuấn Lương

Ngổn ngang dự án cầu vòm sắt hồ Linh Đàm

Đầu năm 2021, cầu thép cho xe máy dưới đường Vành đai 3 trên cao, với tổng mức đầu tư khoảng 65 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Công trình dự kiến hoàn thành và thông xe vào cuối tháng 12-2021. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang ngổn ngang...

Giám đốc điều hành dự án Hoàng Đình Hiếu cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành sản xuất dầm và tất cả các nhịp cầu tại xưởng, đồng thời lắp đặt tại công trường 8/9 nhịp... Hiện dự án đang bị chậm tiến độ khoảng 5-6 tháng”.

Theo đánh giá của các đơn vị liên quan, dự án bị chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 kéo dài, kèm theo đó là nguyên vật liệu tăng giá, nhập khẩu rất khó khăn. Thứ hai, công trình phải thi công trong phạm vi hẹp, bị khống chế bởi tĩnh không đường Vành đai 3 trên cao, khiến cho việc bố trí phương tiện, máy móc chuyên dụng gặp khó khăn. Thứ ba, cũng là vướng mắc lớn nhất là trong quá trình thi công 2 cọc khoan nhồi cuối cùng (trong tổng số 20 cọc), nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang gặp phải tình trạng địa chất lòng hồ không ổn định, cát chảy và hang caster (hang ngầm). Theo hồ sơ thiết kế, tại các vị trí này, cọc khoan nhồi phải khoan xuống độ sâu khoảng 41-45m nhưng đến nay nhà thầu mới khoan được gần 30m.

Nhà thầu đã báo cáo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội để xin phương án xử lý. Theo đó, nhà thầu sẽ đổ bê tông gia cường và ép thêm các cọc bê tông cốt thép để tăng sức chịu tải cho trụ. Sau khi kiểm tra, nghiên cứu, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã phê duyệt phương án điều chỉnh. Ngay sau khi được phê duyệt phương án, nhà thầu huy động nhân lực, máy móc triển khai theo thiết kế mới. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong quý II-2022.

Đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm điều chỉnh thiết kế

Trong khi đó, Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông. Dự án có tổng chiều dài 3,7km, chia thành 4 đoạn được khởi công từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Trong đó, đoạn 1 từ khách sạn Thắng Lợi đến lối vào đường Xuân Diệu. Đoạn 2 từ lối vào đường Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ. Đoạn 3 từ ngõ 123 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân và đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân.

Hiện các hạng mục vẫn ngổn ngang, nhiều khu vực trở thành điểm tập kết phế liệu… Bà Đỗ Thị Vân (ngõ 92 phố Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) bức xúc: “Dự án thi công chậm chạp khiến cho đường đê đã hẹp lại càng ùn tắc. Hàng chục bốt điện được hạ chuyển nằm ngay giữa đường gây mất mỹ quan và nguy hiểm cho người dân…”.

Theo ông Nguyễn Huy Sĩ - Phòng Giám sát 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội, khó khăn lớn nhất đối với dự án này là phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế. Trong 4 đoạn của dự án, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho thành phố Hà Nội xây dựng đoạn 1, 2 và 4. Tháng 5-2021, sau khi lấy ý kiến các ban, ngành và khoan thăm dò địa chất bổ sung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND thành phố Hà Nội thay đổi thiết kế đoạn 3 có chiều dài 2,7km do đây là đoạn đê yếu và thấp hơn những đoạn khác trên tuyến. Đoạn đê này cần để riêng biệt giữa đường dân sinh và đường chính cũng như cùng một cao độ thay vì thiết kế mặt đường đê có hai cao độ khác nhau như thiết kế ban đầu.

“Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất phương án đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện, Ban Quản lý dự án đang phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thi công để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cấp phép thi công. Sau khi được cấp phép, dự kiến, công trình sẽ tiếp tục triển khai trong tháng 4-2022 nhằm sớm hoàn thiện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Nguyễn Huy Sĩ thông tin.

 Lương Ninh Giang - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại

92 năm kể từ ngày ra đời 17-3-1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng phấn đấu vươn lên và ngày càng khẳng định vững chắc vị thế lãnh đạo. Với ý chí quyết tâm cao, luôn gương mẫu, đi đầu, Đảng bộ Thủ đô đang tập trung triển khai thực hiện những mục tiêu cao hơn, xa hơn, vì tương lai thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân.

Tuyển sinh lớp 10: Giảm áp lực, tăng hỗ trợ

UBND thành phố Hà Nội ngày 11-3-2022 đã phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2022-2023, với ba môn: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Quyết định không tổ chức thi môn thứ tư nhận được sự đồng thuận của giáo viên, học sinh và dư luận xã hội. Giảm áp lực, tăng hỗ trợ và tạo thuận lợi nhất cho học sinh trong bối cảnh dạy - học đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là quyết tâm của các nhà trường nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1027138/hai-du-an-giao-thong-trong-diem-cua-ha-noi-cham-tien-do-khong-de-go-kho-thanh-kho-go