Hải Dương: Xe trọng tải lớn ngang nhiên tung hoành trên đê mà không bị xử lý!

28/12/2018 09:22

Kinhte&Xahoi Nằm ngay dưới chân cầu Phú Lương (cả cầu mới và cầu cũ, thuộc TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), tuyến đê hữu sông Thái Bình đang ngày đêm phải oằn mình “gánh” những xe trọng tải hạng nặng chở vật liệu xây dựng, hàng hóa…

Nằm ngay dưới chân cầu Phú Lương (cả cầu mới và cầu cũ, thuộc TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), tuyến đê hữu sông Thái Bình đang ngày đêm phải oằn mình “gánh” những xe trọng tải hạng nặng chở vật liệu xây dựng, hàng hóa…

Đất bãi ven sông thì bị đào xới thành thùng, vũng, lấp đầy cát, đá, hình thành bến cảng để tập kết, trung chuyển vật liệu…là tình trạng đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa hề bị cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Đê hữu sông Thái Bình đoạn qua phường Nhị Châu, TP Hải Dương có một bến thủy nội địa ngang nhiên hoạt động tấp nập, nhộn nhịp.

 

 

Dù có biển cấm tải trọng nhưng những chiếc xe tải hạng nặng này vẫn đi lên đê vòng qua dưới gầm cầu Phú Lương để vào bến bãi của ông Quảng.

 

Điều đáng nói, hàng ngày tại đây có rất nhiều phương tiện xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng như cát, đá chạy nườm nượp trên đoạn đê thuộc khu vực chân cầu Phú Lương cũ và mới ra vào bến suốt ngày đêm.

UBND phường Nhị Châu, Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương ở cách đó không xa nhưng những vi phạm không hiểu vì sao vẫn tồn tại suốt thời gian qua.

Theo phản ánh của người dân, bãi vật liệu trên là của gia đình ông Bùi Tiến Quảng (trú tại phường Ngọc Châu, TP Hải Dương).

Bến bãi nằm sát bờ kè chân cầu Phú Lương mới. Khu vực này trước là diện tích ruộng 03 của xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhị Châu. Ngoài ra, ông Quảng còn thuê đất công của phường để lấy mặt bằng làm bến bãi nhưng nay thời gian thuê đất đã hết hạn.

Quá trình hoạt động, bến bãi đã có hành vi vi phạm hành lang bảo vệ kè, thường xuyên có hoạt động đào bới đất trồng trọt, đất bờ bao bãi giáp với sông để lấy đất vận chuyển đi nơi khác làm biến dạng toàn bộ diện tích đất công điền, tạo lên nhiều thùng, vũng…

Sau đó chở rác, chất thải rắn xây dựng về để san lấp làm mặt bằng, dùng xe có tải trọng lớn chuyên chở vật liệu trên đường nội đồng, đường gom qua đê, mặt đê gây bụi mùi mịt, làm mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân ở đây…

 

 

Những chiếc xe tải khác men theo con đường bê tông song song Quốc lộ 5, trèo lên đê để ra đường lớn.

 

Được biết, sau rất nhiều lần người dân địa phương phản ánh, vào khoảng giữa năm 2018, phường Nhị Châu đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản chỉ ra việc hoạt động của bến bãi trên đã làm biến dạng mặt bằng hiện trạng, thời điểm kiểm tra, thời gian hợp đồng thuê mặt bằng đã hết, hệ thống điện sinh hoạt không đảm bảo về an toàn điện.

Cả phường Nhị Châu và Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương đã yêu cầu chủ bến bãi nghiêm túc dừng mọi hoạt động, di chuyển vật liệu ra khỏi bãi sông trả lại hiện trạng ban đầu, không được tập kết vật liệu trung chuyển trên bến bãi và phải làm các thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, vào cuối tháng 10/2018, Thanh tra Sở GTVT Hải Dương đã tiến hành kiểm tra và xử phạt bến bãi của ông Quảng số tiền 7.500.000đ với lỗi vi phạm: Đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn chỉ nằm trên giấy, bến bãi không phép của ông Bùi Tiến Quảng vẫn hoạt động tấp nập công khai, thách thức dư luận và chính quyền.

Điển hình, theo ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây, bến bãi trên hầu như ngày nào cũng có hàng lượt xe ô tô tải lớn nhỏ ra vào bến chở vật liệu xây dựng.

Dưới sông, thường xuyên có 2, 4 tàu thuyền cập bến. Từ hai mấu cẩu của bến, hai chiếc máy xúc không ngừng làm nhiệm vụ xúc cát từ những tàu thuyền này lên trên xe tải. Nhiều lúc, có tới 3, 4 chiếc xe tải hạng nặng phải đậu tạm trên bãi để chờ đến lượt mình “lấy hàng”.

 

Bến bãi không phép của gia đình ông Bùi Tiến Quảng.

 

 

Khi di chuyển chở hàng ra khỏi bến bãi, những chiếc xe này di chuyển theo hai ngả đường: Một là từ bãi vật liệu đi ra tới gần chân cầu Phú Lương rồi rẽ phải men theo con đường bê tông đã bị xuống cấp nằm song song với Quốc lộ 5, vượt qua mặt đê để đi tiếp ra đường lớn; Hai là từ bãi vật liệu đi thẳng, chui qua gầm cầu Phú Lương mới, đi thằng rồi chui tiếp qua gầm cầu Phú Lương cũ (cầu đường sắt) đi tiếp một đoạn chừng 30m, tiếp tục vòng lên đê và di chuyển ra các ngả đường khác.

Mặc dù đã có biển cấm xe tải trên 10 tấn đi lên đê, nhưng những chiếc xe tải hạng nặng với khối lượng hàng chục tấn, được cơi nới, chở vật liệu vượt quá thành thùng, được chất đầy cao ngất ngưởng, được phủ chắn qua loa vẫn ngang nhiên chạy ầm ầm, bụi mù mịt chạy ra vào bãi vật liệu của ông Quảng, cào cấu, “leo” lên mặt đê hữu sông Thái Bình đoạn chân cầu Phú Lương cũ và mới để tỏa đi đến các công trình xây dựng với hàng chục lượt xe mỗi ngày.

Việc xe trọng tải lớn ngang nhiên lộng hành như trên đã khiến cho giao thông trên tuyến đường đê hữu sông Thái Bình bị ảnh hưởng, đường sá hư hỏng, bong tróc, xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao khiến cho người dân hết sức bức xúc.

Tuy nhiên, trước sự tác oai tác quái của các phương tiện quá tải trọng đang ngày đêm tàn phá đoạn đê góp phần bảo vệ an toàn cho TP Hải Dương trong mùa mưa bão nhưng không hề thấy bóng dáng của một lực lượng chức năng nào tới kiểm tra, xử lý, ngăn chặn.

Liệu đằng sau sự lộng hành kia có ẩn khuất, lợi ích bởi thế lực nào không? Cấp chính quyền nào đã “tạo điều kiện” cho chủ bến bãi không phép trên tiếp tay cho xe quá tải phá hỏng đường đê hữu sông Thái Bình cũng như ảnh hưởng tới an toàn giao thông, tới môi trường?

 

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trung ương quyết định nhiều vấn đề rất hệ trọng trong hai ngày làm việc

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 26/12. Mặc dù thời gian Hội nghị diễn ra không dài, chỉ với 2 ngày làm việc, song những nội dung, vấn đề được bàn và quyết định tại Hội nghị được đánh giá là rất hệ trọng.

Kỷ luật cán bộ: Đau lòng nhưng phải làm

Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 5 Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.