Hai sở bất ngờ xin rời đất vàng Hà Nội về trụ sở cũ

21/05/2021 17:13

Kinhte&Xahoi Khu liên cơ Võ Chí Công (quận Tây Hồ) được bố trí là nơi làm việc của 8 sở, ngành thuộc UBND TP Hà Nội, sau gần 1 năm, nhiều đơn vị đã xin quay trở lại trụ sở cũ.

Khu liên cơ được xây dựng trên khu đất 3.470m2 gồm 3 khối nhà chính cao 27 tầng, 16 tầng, 7 tầng và khối nhà điều hành 2 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Được bố trí là nơi làm việc của 8 sở, ngành thuộc UBND TP Hà Nội.

Khu liên cơ Võ Chí Công được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã phát sinh nhiều bất cập sau gần 1 năm đi vào vận hành. 

Đến giữa tháng 8/2020, 7 sở, ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến Trúc (QHKT), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính và Viện Quy hoạch xây dựng đã hoàn thành việc di chuyển trụ sở và chính thức làm việc tại khu liên cơ.

Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, cuối tháng 3 vừa qua, Sở QHKT đã có báo cáo đề xuất được tiếp tục sử dụng trụ sở cũ tại 31B Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm). Theo báo cáo của sở này thì “để tránh lãng phí diện tích làm việc tại Khu liên cơ, Sở QHKT đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội xem xét chấp nhận cho Sở QH&KT được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại 31B Tràng Thi để các phòng, ban, đơn vị của Sở được tập trung, sắp xếp ổn định hoạt động phù hợp với tổ chức bộ máy của Sở”.

Sở TN&MT cũng đề nghị được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại 18 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) để “đảm bảo công việc của Sở sớm được đi vào ổn định, thống nhất, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác tiếp công dân”.

Vừa qua, Sở TN&MT đã ra thông báo chuyển địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại địa chỉ cũ số 18 Huỳnh Thúc Kháng.

Sở QHKT cũng có thông báo "chuyển địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính" về địa chỉ cũ tại số 31B Tràng Thi.

Thiếu chỗ để xe khiến người dân đến làm việc tại khu liên cơ gặp nhiều bất tiện.

Lý do chuyển địa điểm từ khu liên cơ nghìn tỷ Võ Chí Công được 2 sở này đưa ra là: "Thuận lợi cho các tổ chức, công dân trên địa bàn thành phố đến giao dịch, làm việc, nộp công văn, hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính; cũng như phối hợp với các phòng, đơn vị, bộ phận chuyên môn của sở trong quá trình giải quyết công việc".

Liên quan đến dự án này, trước đó, năm 2012, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội trên khu đất có diện tích khoảng 7.270m2 tại X2 Xuân La (quận Tây Hồ).

Đến tháng 4/2018 UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội với mục tiêu đầu tư "Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - khu liên cơ Võ Chí Công nhằm đáp ứng yêu cầu văn phòng, bố trí trụ sở làm việc của 8 sở, ngành (gồm các Sở Giao thông - vận tải, Xây dựng, Khoa học - công nghệ, Quy hoạch - kiến trúc, Tài Chính, Kế hoạch - đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội”.

Dù được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng theo người dân, doanh nghiệp đến làm việc tại trụ sở khu liên cơ nơi để ôtô rất bất tiện, thường xuyên thiếu chỗ nhiều khi xe đỗ trên vỉa hè, tràn ra cả lòng đường xung quanh khu liên cơ.

 Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bác sĩ tâm dịch Bắc Giang kể chuyện ngày "chiến đấu" 20 giờ truy vết Covid-19

“Đã hơn nửa tháng nay, tôi chưa về nhà. Dù nhà chỉ cách trạm y tế xã vài trăm mét nhưng từ khi dịch bùng phát, tôi chưa bao giờ được qua nhà thăm con. Thực sự tôi rất nhớ các con. Nhưng vì sức khỏe của Nhân dân, chúng tôi bỏ lại nỗi nhớ gia đình ở phía sau để tiến lên phía trước đẩy lùi Covid-19”- bác sĩ Nguyễn Thị Phương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nghẹn ngào nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa đất nước phát triển dựa trên ba trụ cột chính

Dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định “Việt Nam sẽ không ngừng phát huy những kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức và tiếp tục đưa đất nước phát triển dựa trên ba trụ cột chính là chiều sâu của bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng dân tộc, giá trị con người và tài nguyên thiên nhiên”.

link bài gốc https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/2-so-roi-khu-lien-co-nghin-ty-o-ha-noi-ve-lai-chon-cu-738673.html