Hàng loạt giải pháp mới cho du lịch

19/09/2020 16:58

Kinhte&Xahoi Kiến nghị cho doanh nghiệp du lịch lùi thời gian trả lãi vay ngân hàng đến cuối năm 2021

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Nhiều nhà hàng phục vụ khách du lịch còn đóng cửa ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN

Không có doanh thu để trả lãi vay

Theo Bộ VH-TT-DL, tình hình DN du lịch đang rất khó khăn. DN vận tải du lịch (ôtô) gần như đóng cửa vì không có khách. 95% DN lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Công suất phòng của các DN lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP HCM chỉ đạt 10%; những địa phương có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách (trừ một số khách là chuyên gia, khách cách ly).

Các điểm đến là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh..., công suất buồng phòng cũng chỉ đạt 3%-5%... Hàng loạt cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, nhân viên phải nghỉ việc.

Làn sóng rao bán khách sạn đang lan rộng ở nhiều địa phương, các công ty phải xoay xở, chuyển hướng kinh doanh nghề khác để duy trì DN. Có lãnh đạo công ty phải cầm nhà đất của mình để vay vốn ngân hàng (NH) nhằm duy trì hoạt động của DN…

Nhiều DN du lịch không phát sinh doanh thu nên gần như mất khả năng trả lãi vay NH. Trong khi các NH chỉ mới áp dụng việc giảm lãi suất cho vay 1%-2% hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thuộc diện được tái cơ cấu, chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi vay. Do đó, Bộ VH-TT-DL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay NH, áp dụng đến tháng 12-2021. Đồng thời, chỉ đạo ngành NH tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, khoanh món nợ, khoanh tiền lãi vay và không tính lãi vay quá hạn…

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% trong năm 2020-2021 bởi chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN gần như không có tác dụng đối với DN trong ngành. Ngoài ra, các gói hỗ trợ DN và người lao động, như gói 62.000 tỉ đồng cũng cần được tạo thuận lợi hơn về điều kiện, thủ tục để dễ tiếp cận…

Dưới góc nhìn của DN du lịch, một nỗi lo khác bên cạnh những khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực và thị trường là sức mua giảm sút, nhu cầu của người dân với du lịch không cao. Do đó, DN kiến nghị cần thêm các chính sách hỗ trợ kích thích nhu cầu tiêu dùng, tăng cường công tác truyền thông để người dân yên tâm, an toàn khi đi du lịch.

Tín hiệu từ khách đoàn

Trong khi chờ đợi những biện pháp hỗ trợ mới của Chính phủ, các DN du lịch đang từng bước khởi động trở lại để tự cứu mình. Một tín hiệu tích cực được ghi nhận những ngày qua là đã có khách đoàn liên hệ, đăng ký tour trở lại thay vì chỉ có khách gia đình, khách lẻ.

Tại Công ty Vietravel, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, cho biết hiện DN đã bắt đầu nhận đăng ký tour trở lại. Đặc biệt, có cả những đơn vị đã đăng ký tour theo hình thức team building (du lịch kết hợp hoạt động của công ty) từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 nhưng chưa khởi hành được. "Từ cuối tháng 8 đến nay, trung bình mỗi tuần có 2-3 đoàn khởi hành. Bước sang tháng 9, số lượng đoàn khởi hành trong tuần và khách của mỗi đoàn đã tăng lên đáng kể" - bà Khanh thông tin.

Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10, Vietravel sẽ phục vụ khoảng 10.000 lượt khách với khoảng 60 đoàn (gần 4.000 khách) trong tháng 9 và khoảng 80 đoàn (6.000 khách) trong tháng 10. Điểm đến được đa số công ty chọn tổ chức là Vũng Tàu, Côn Đảo, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc và những địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc...

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, cũng xác nhận lượng khách đã trở lại sau khi đợt 2 dịch. Số lượng khách trong tháng 9 tại công ty đạt trên 900 khách, bao gồm tour đoàn DN, nhóm khách gia đình đi tour riêng và tour theo lịch khởi hành định sẵn. "Tuy không sôi động như mùa hè nhưng lấy mốc khởi động thị trường là dịp nghỉ lễ 2-9 cho thấy tâm lý khách khá ổn định" - ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Theo đại diện Công ty Lữ hành Fiditour, lễ 2-9 vừa qua được xem là thời điểm DN bước vào giai đoạn phục hồi. Công ty không chỉ phục vụ nhu cầu khách nhóm gia đình mà còn khởi động lại thị trường tour MICE (du lịch kết hợp hội nghị) các tuyến Nha Trang, Phú Quốc, TP HCM… Các công ty có kế hoạch tổ chức tour hè nhưng do ảnh hưởng đợt dịch thứ hai nên đã chuyển sang mùa thu - đông.

"Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, chúng tôi dự đoán tour đoàn sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm với các đoàn lớn, với số lượng từ 100-500 khách, tập trung vào các ngành hàng thực phẩm, dược phẩm, bảo hiểm… Hiện chúng tôi cũng đang xúc tiến hợp đồng và làm việc với nhiều khách hàng khối khách đoàn cho kế hoạch tour MICE, team building… từ tháng 10-12 khá nhiều" - bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông lữ hành Fiditour, nói.

Một tín hiệu tích cực khác là dù các đường bay thương mại quốc tế được khai thác trở lại, chưa áp dụng với khách du lịch nhưng cũng là bước đầu khả quan. Nhiều DN lữ hành cho biết ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ cho phép nối lại một số đường bay thương mại quốc tế, họ đã chuẩn bị một số sản phẩm đối với các tuyến tour từ Việt Nam đi Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Các bộ phận kinh doanh, điều hành của DN vẫn kết nối liên tục với đối tác ở nước ngoài để cập nhật thông tin, thị trường, sản phẩm... "Chúng tôi chỉ chờ thời điểm thuận tiện để kết nối lại đường tour sau khi có sự chấp thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nước. Dù vậy, tâm lý du khách và sự an toàn của du khách khi khôi phục trở lại kinh doanh trong điều kiện bình thường mới vẫn là quan trọng nhất. Tránh tối đa việc lây nhiễm Covid-19 là điều kiện tiên quyết khi mở lại tour" - ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

TP HCM đề xuất miễn phí vé tham quan

Sở Du lịch TP HCM cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến một số sở, ngành liên quan và tổ chức cuộc họp với các đơn vị gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế TP và Hiệp hội Du lịch TP nhằm thảo luận một số giải pháp, trong đó có rà soát, tham mưu chính sách hỗ trợ phí vé tham quan tại các điểm tham quan trên địa bàn. Từ đó, báo cáo UBND TP kiến nghị, đề xuất Chính phủ, HĐND TP hỗ trợ DN gặp khó do dịch bệnh (gói hỗ trợ thứ hai của TP đang xúc tiến).

Đồng thời, Sở Du lịch TP cũng đang lấy ý kiến Sở VH-TT-DL và 5 điểm tham quan gồm Bảo tàng TP, Bảo tàng Lịch sử TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Khu Di tích địa đạo Củ Chi về chính sách miễn phí vé tham quan để kích cầu du lịch cũng như chính sách hỗ trợ từ kinh phí của nhà nước để các điểm tham quan này bảo đảm hoạt động từ nay đến cuối năm 2020.

Tiếp tục kích cầu du lịch nội địa

Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, ngày 18-9, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục phát động chương trình kích cầu với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".

Bộ kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp tập trung giới thiệu điểm đến, thu hút khách nội địa. Trên cơ sở liên minh kích cầu đã được thành lập đầu năm nay, có thể hình thành các liên minh mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf... Các doanh nghiệp xây dựng những gói sản phẩm kích cầu đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lợi du khách.

Tổng cục Du lịch được chỉ định làm đầu mối điều phối hoạt động của các liên minh kích cầu.

Y.Anh 

THÁI PHƯƠNG  -  Theo Người Lao Động

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thấy gì khi điểm sàn Y, Dược, Sư phạm tăng cao hơn năm 2019?

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề năm 2020 và ngành Sư phạm đã thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hang-loat-giai-phap-moi-cho-du-lich-d135597.html