Hàng loạt hãng hàng không ra đời: Hạ tầng có kham nổi?

23/09/2019 11:38

Kinhte&Xahoi Gần 1 năm trở lại đây, hàng loạt hãng hàng không mới được ra đời ở Việt Nam như Bamboo Airways, Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Vietstar Airlines. Trong khi hạ tầng hàng không đang thiếu và yếu như hiện nay, việc cấp phép bay cần được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) hết sức thận trọng.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Tăng trưởng hành khách, cần thêm hãng bay

Theo dự báo của Cục HKVN, tốc độ tăng trưởng hàng không nước ta tiếp tục tăng cao. Riêng khu vực TP HCM và Đồng Nai, đến năm 2025 nhu cầu khoảng 65 triệu hành khách; đến năm 2030 là 85 triệu hành khách, trong khi hiện nay khoảng 40 triệu.

Trong bối cảnh kinh tế nước ta đang tiếp tục phát triển năng động, ngành du lịch tăng trưởng nhanh thì việc các hãng bay thi nhau ra đời là tất yếu. Cách đây khoảng một năm, thị phần hàng không nước ta chủ yếu có ba hãng hoạt động là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar pacific. Những hãng bay này đều được đánh giá đã nỗ lực hết mình để phục vụ hành khách một cách tốt nhất.

Thế nhưng, do lượng khách đông, hàng hóa nhiều, đội ngũ tàu bay có giới hạn, nhân lực giới hạn nên không ít lần xảy ra việc hủy chuyến, chậm chuyến, ảnh hưởng đến hành khách. Điều này cho thấy, việc hành khách đông đúc đã ít nhiều “đè nặng” lên vai các hãng hàng không, dẫn đến việc phục vụ không thể chu đáo như mong muốn.

Ngày 16/1/2019, khi Bamboo Airways chính thức cất cánh bay thương mại, nhiều người tỏ ra e ngại, thận trọng trước khi sử dụng hãng bay này. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hãng này bay đúng giờ, phục vụ khách chu đáo đã dành được thiện cảm của hành khách. Đến nay, sau 9 tháng bay, Bamboo Airways có một vị trí vững trong ngành hàng không Việt Nam, ít nhiều tác động đến các hãng hàng không khác phải thay đổi nếu muốn tiếp tục giữ hoặc tăng thị phần.

Hạ tầng khó có “bó” hãng bay?

Dồn dập những tháng gần đây, Vinpearl Air, Vietravel Airlines đều thông báo thành lập hãng bay, đồng thời gửi thủ tục lên Cục HKVN xin giấy phép bay. 

Vinpearl Air (hãng hàng không thuộc Tập đoàn VinGroup) đã có đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) việc chọn sân bay Nội Bài là “sân bay căn cứ”.

Trước đề xuất này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN cho biết, Vinpearl Air chọn Nội Bài làm “thủ phủ” là phù hợp. “Với 6 tàu bay vào năm 2020 và hơn 10 tàu bay đến năm 2021 thì Nội Bài vẫn gánh được” - ông Thắng nói. Như vậy có thể thấy, Vinpearl Air đã nhận được cái “gật đầu” của đại diện Bộ GTVT, giấy phép bay đối với hãng này chỉ là vấn đề thời gian.

Tương tự Vinpearl Air, Vietravel Airlines cũng đang được Cục HKVN ủng hộ. Theo đó, khi Vietravel Airlines chọn sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) làm “căn cứ”, Cục HKVN cho rằng điều này là khả thi.

Theo ông Võ Huy Cường, Cục Phó Cục HKVN, giai đoạn đầu, Vietravel chỉ khai thác 3 tàu bay nên nhu cầu về chỗ đỗ không nhiều. Sức ép về cơ sở hạ tầng, chỗ đỗ, sức ép bay đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn có thể đáp ứng.

“Khi Vietravel Airlines phát triển lên 6 tàu, hy vọng khi đó hạ tầng sẽ được cải thiện hơn. Vietravel lựa chọn chuyến bay charter vào những giờ không căng thẳng về slot thì vẫn khả thi” -  ông Cường nói.

Đồng ý nhận định này, đại diện Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) cho biết, việc Vietravel Airlines hay Vinpearl Air muốn khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều không còn suất.

Do sức ép về hạ tầng hàng không mà sau nhiều lần “cầu cứu” Bộ GTVT, đến nay Hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) chưa tìm được “thủ phủ” bay. Đơn vị này mới đây đề xuất lấy Tân Sơn Nhất làm sân bay căn cứ nhưng chưa nhận được cái “gật đầu” của Bộ GTVT. Lý do là hạ tầng sân bay này đã quá tải, phải chờ nhà ga T3 hoàn thành mới có thể cấp phép bay cho đơn vị này.

Trước đó, Vietstar Airlines đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ còn 10 máy bay từ nay đến năm 2021, trong đó, chỉ có 5 chiếc đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2018-2020.

Nói về sự quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết, công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2018 đã đạt 38,3 triệu khách. Không bao lâu nữa, nếu không được nâng cấp, cảng hàng không này sẽ “đóng băng”, đạt mức giới hạn tiêu chuẩn cho phép, tức không thể tăng thêm suất bay. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ga T3 mở rộng sân bay này vẫn nằm trên giấy tờ; còn sân bay Long Thành chậm nhất đến năm 2025 mới có thể khai thác.

Cũng theo Chủ tịch ACV, sau khi xây xong Long Thành, sân bay Nội Bài khi đó cũng phải được mở rộng thêm để tránh sự quá tải. “Việc mở rộng Nội Bài còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với T3 Tân Sơn Nhất”, ông Thanh dự đoán.

Ông Trịnh Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Cục HKVN cho biết, việc cấp phép bay cho các hãng hàng không được nghiên cứu, thẩm định kỹ; phù hợp với năng lực và hạ tầng các sân bay đến và đi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bao giờ hết lãng phí trong dùng sách giáo khoa?

Theo báo cáo của NXB Giáo dục thì năm 2018 đơn vị này có tổng doanh thu là 1.234 tỷ đồng xuất bản sách mới. Mặc dù vậy, hàng trăm nghìn cuốn sách giáo khoa (SGK) lại chỉ được dùng một lần rồi bỏ gây lãng phí vô cùng lớn.

Nguồn: Pháp luật Plus