Hành động và câu trả lời

27/12/2022 10:18

Kinhte&Xahoi Năm 2022, công cuộc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực được đặt ra cấp thiết. Chuyển đổi số đã là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng.

Ảnh minh họa

Chuyển đổi số giúp các quốc gia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Đây là lúc, “phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp”, “Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số...” (trích Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư). Sau Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; và Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được thành lập.

Chúng ta đang vừa phải chỉ đạo, vừa tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ai đứng “ngoài cuộc” sẽ bị đào thải; “chậm chân”, chắc chắn tụt lại phía sau.

Về “hành lang pháp lý” có hai vấn đề lớn, chúng ta phải giải quyết. Trước hết là chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số; thứ hai là xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số, tạo môi trường đổi mới sáng tạo.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp của chuyển đổi số. Năm 2023 là năm bản lề của kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 nên nhiệm vụ rất nặng nề. Trong khi đó, dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Tại Hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa diễn ra hôm qua (25/12), Thủ tướng đặt vấn đề, việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới? Câu hỏi không dễ. Và chỉ có thể hành động để tìm câu trả lời!

Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/hanh-dong-va-cau-tra-loi-d188396.html