Hãy để quỹ cha mẹ học sinh thực sự là khoản thu của sự tự nguyện

09/10/2022 09:24

Kinhte&Xahoi Cứ đầu năm học mới, ở không ít hội, nhóm phụ huynh, sự mất đoàn kết, bài xích lẫn nhau giữa các nhóm phụ huynh không cùng chí hướng trở thành nỗi bức bối của không ít bậc cha mẹ.

Trong đó, mâu thuẫn phần lớn xuất phát từ việc thu quỹ cha mẹ học sinh. Liệu khoản tiền vẫn được tuyên truyền là “tự nguyện” này đã thực sự được đóng góp bởi sự tự nguyện của phụ huynh hay chưa?

Mâu thuẫn từ thiếu sự đối thoại

 Suốt hơn 1 tuần kể từ sau buổi họp phụ huynh đầu năm, chị Hoàng Hải Yến (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn mang trong mình tâm trạng bực bội, bức bối. Nguyên nhân xuất phát từ việc vận động đóng góp quỹ cha mẹ học sinh của ban đại diện phụ huynh lớp con chị. “Ở buổi họp phụ huynh, tôi và gần 50 cha mẹ khác trong lớp được thông báo là nộp quỹ cho con đầu năm học mới, trong đó có quỹ lớp để tổ chức các hoạt động của học sinh tại lớp học và quỹ trường để phục vụ cho các hoạt động trong năm học của nhà trường.

Trong đó, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến không nên có khoản quỹ trường mà chỉ đồng ý đóng góp quỹ lớp để tổ chức các hoạt động của nhà trường”, chị Yến chia sẻ.

Hãy để quỹ cha mẹ học sinh thực sự là khoản thu của sự tự nguyện. Ảnh minh họa

Ý kiến này đã được biểu quyết đồng tình bởi đa số phụ huynh tham dự họp. Thế nhưng, ngay sau buổi họp ấy, thông qua nhóm zalo của phụ huynh lớp, chị Yến lại được thông báo là tất cả các lớp khác đều nhất trí phải đóng cả quỹ trường, quỹ lớp. Chưa dừng lại ở đó, ban đại diện cũng “chốt” luôn số tiền cần đóng là bao nhiêu kèm theo số tài khoản.

Không đồng tình với hành động này, chị Yến đặt ra 1 loạt câu hỏi tới ban đại diện phụ huynh trong lớp như: Số tiền này sẽ được sử dụng với mục đích gì? Tổ chức các hoạt động như thế nào và kế hoạch dự chi ra sao nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ban đại diện phụ huynh nói: Tất cả các lớp đều đóng như thế thì lớp chúng ta cũng đóng như vậy. Đây cũng là vì để tổ chức hoạt động cho các con. Nhà trường không có chủ trương thu và không vận động phụ huynh đóng góp nhưng ban đại diện phụ huynh thấy cần thiết nên kêu gọi đóng góp.

Chị Yến chia sẻ: “Tôi không nhất trí với quan điểm ấy bởi nếu đã là khoản thu tự nguyện, kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh thì cần có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất. Ít nhất phụ huynh cũng phải biết nhà trường sẽ tổ chức những hoạt động gì, dự chi như thế nào mới có thể tham gia, đóng góp. Mặt khác, nếu kêu gọi sự tự nguyện thì không thể áp đặt là cần phải đóng bao nhiêu mà không cần lắng nghe ý kiến, sự chia sẻ của phụ huynh”.

Không chỉ có chị Yến mà đầu năm học mới, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình với việc vận động đóng quỹ cha mẹ học sinh của nhiều lớp học, nhiều nhà trường. Điều này khiến cho ý nghĩa tốt đẹp của sự “tự nguyện” không còn nữa. Thay vào đó là sự mâu thuẫn, bài xích, hiềm khích lẫn nhau giữa các nhóm phụ huynh không cùng quan điểm.

Bày tỏ sự khó chịu chỉ vì vài trăm nghìn quỹ trường, chị Ánh Vân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Là một trong số những phụ huynh phản đối việc nài ép phụ huynh đóng quỹ trường của đại diện phụ huynh lớp, tôi cũng khá căng thẳng. Nhiều người không đồng tình nhưng họ ngại ngần không nói ra. Chỉ riêng tôi thẳng tính bày tỏ quan điểm. Ngay sau đó, mỗi lần đi đón con, đại diện phụ huynh lớp cũng đi đón con nhìn tôi với ánh mắt khác lạ. Rồi dăm ba nhóm có đại diện phụ huynh ngồi ghế đá sân trường nhỏ to bàn bạc đánh ánh mắt thiếu thiện cảm về phía tôi. Điều đó khiến tôi thực sự cảm thấy khó chịu”.

Chị Vân bày tỏ quan điểm: “Con cái là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình mà mình còn gửi gắm cho nhà trường thì tiếc gì mấy trăm nghìn tiền quỹ. Tôi chỉ không đồng tình với cách trao đổi như ép buộc, thiếu tính đối thoại và không minh bạch. Nhiều người cũng vì e ngại, vì sợ con không được đối xử công bằng ở lớp, ở trường hay sợ bị cô lập mà không dám bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình. Bởi vậy, quỹ tự nguyện không còn là sự tự nguyện mà là tự nguyện trên tinh thần ép buộc. Điều đó khiến phụ huynh thiếu đi sự tin tưởng đối với nhà trường, với môi trường giáo dục mà họ gửi gắm con em mình”.

Công khai, minh bạch, lắng nghe để được chia sẻ

 Cùng với những quan điểm của phụ huynh, ở phía nhà trường, khoản thu tự nguyện này được nhìn nhận và chia sẻ ra sao? Theo Hiệu trưởng một trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, cứ mỗi dịp đầu năm học mới, tình trạng lạm thu, rồi các khoản thu chưa đúng quy định lại được phản ánh rầm rộ thông qua các trang mạng xã hội, kênh thông tin báo chí khiến những người làm công tác quản lý vô cùng đau đầu. Vậy nhà trường có thực sự “lợi dung” Ban đại diện phụ huynh theo cách nói của nhiều người là “cánh tay nối dài” của BGH nhà trường để “thò tay”, “móc túi” của phụ huynh hay không? Điều đó rất cần đến ý chí, công tác lãnh đạo của người làm quản lý.

“Mỗi trường học trong một năm học thường tổ chức khá nhiều hoạt động để nhằm nhiều mục đích: Thứ nhất là quảng bá hình ảnh, thương hiệu của nhà trường. Thứ hai là tạo không gian cho học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tăng tình đoàn kết, gắn bó. Đó đều là những mục đích rất tốt đẹp. Vậy nhưng, kinh phí Nhà nước cấp cho các hoạt động của nhà trường được quản lý và sử dụng rất chặt chẽ. Không phải khoản chi nào cũng được sử dụng nguồn ngân sách hạn hẹp ấy. Chính vì vậy, để tổ chức được các hoạt động, việc nhận được sự đồng tình, ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần của phụ huynh là rất đáng quý và quan trọng”, vị Hiệu trưởng này chia sẻ.

Tuy nhiên, để làm sao nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh và sự tự nguyện một cách chân thành thì lại là chuyện không phải trường học nào cũng làm tốt. Bởi nếu làm tốt, đã không có những ý kiến trái chiều, những bức bối từ diễn đàn nọ, hội nhóm kia và trở thành câu chuyện truyền miệng không mấy tốt đẹp?

Theo Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông, để nhận được sự tự nguyện và ủng hộ của phụ huynh, ngay từ trước khi tổ chức cuộc họp phụ huynh, nhà trường đã lên kế hoạch hoạt động chi tiết, dự kiến kinh phí tổ chức và công khai minh bạch. “Chúng tôi cũng quán triệt từ đầu với đại diện phụ huynh để không xảy ra tình trạng cào bằng, nài ép phụ huynh phải nộp quỹ và nộp bao nhiêu. Ai có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu. Không ủng hộ cũng không sao. Nhà trường cũng thực hiện xã hội hóa để tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức như kêu gọi các nhà tài trợ, các mạnh thường quân ở ngoài nhà trường.

Song song với đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã rà soát danh sách học sinh để tìm hiểu xem học sinh nào thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch chia sẻ, giúp đỡ. Chính vì vậy, qua các năm học, trường nhận được sự ủng hộ rất lớn của phụ huynh”, lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạo “cú đấm thép” trong cải cách hành chính với phân cấp ủy quyền

Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế, việc tăng cường CCHC gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền của Hà Nội còn nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho thành phố.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hay-de-quy-cha-me-hoc-sinh-thuc-su-la-khoan-thu-cua-su-tu-nguyen-207562.html