Hãy ở lại để tất cả cùng an toàn

03/08/2021 17:05

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hàng đoàn xe nối đuôi nhau trên các con đường từ TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai tỏa về các tỉnh miền Trung, miền Tây.

Hình minh họa

Những công nhân, lao động tự do, người làm thuê nghèo, mưu sinh từng ngày tại TP HCM hay các thành phố lớn vốn đã phải chật vật để kiếm tiền, giờ dịch bệnh xảy ra, họ mất việc làm, mất thu nhập và gần như tay trắng, chưa kể nguy cơ nhiễm bệnh luôn rình rập khi đang ở chính tâm dịch. Thậm chí nhiều người đã chia sẻ, gia đình họ đã hết sạch tiền và thức ăn.

Đó là những lý do khiến họ quyết định về quê, dù hành trình trở về có gian nan đến đâu cũng phải thực hiện cho bằng được.

Dẫu biết rằng ở lại thì khó khăn nhưng những chuyến xe về quê của những người lao động là nạn nhân của dịch bệnh đó cũng là những mối nguy lớn cho cộng đồng khi nó tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ. Bởi trên chính hành trình đó, họ đang tự đối mặt với hàng loạt vấn đề như nguy cơ lây lan dịch bệnh khi không được kiểm soát về y tế, đi lại, tiếp xúc với hàng loạt người khác suốt dọc hành trình. Bên cạnh nguy cơ về lây lan dịch bệnh còn là những vấn đề như an toàn giao thông, an ninh trật tự…

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nguy cơ lây nhiễm tại các trạm khai báo y tế đang tập trung lượng lớn người về từ vùng dịch. Do thời gian chờ đợi lâu, thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, tập trung trên diện tích nhỏ nên các nguyên tắc về phòng chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... đều không được duy trì. Do số lượng người đổ về tăng nhanh nên chính quyền địa phương không kịp trở tay trong việc sắp xếp, bố trí cách ly. Đã có hàng trăm người kê hành lý, dựng lều ngủ tạm ở dọc hai bên đường đặt trạm do không có chỗ để bố trí cách ly. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch ra cộng đồng.

Mới đây, ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 thêm 14 ngày.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được thành phố phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu. Đây thực sự là biện pháp hữu hiệu để tránh những nguy cơ có thể xảy ra khi để hàng loạt người tập trung về quê trong thời điểm này như vậy.

Thiết nghĩ, những người lao động tại vùng dịch cũng nên hiểu rõ Nhà nước, chính quyền, các tỉnh, thành không hề bỏ quên hay có ý định bỏ mặc họ tại tâm dịch, khi đã có những chuyến bay miễn phí chở người lao động về quê an toàn. Nhưng do số lượng người quá lớn nên chưa thể triển khai đưa tất cả về quê được. Do đó, khuyến khích người dân ở lại tâm dịch và nghe theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hơn ai hết, chính sự tự giác cũng như tinh thần, trách nhiệm cao với cộng đồng của mỗi người dân là cách nhanh nhất để giúp giảm số ca mắc COVID-19 cũng như khiến tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng hơn.

 Thu Thủy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới

Ngày 2-8, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, nghe Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hay-o-lai-de-tat-ca-cung-an-toan-d162391.html