Hệ quả của việc Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng: Giá năng lượng leo thang đột biến

16/02/2022 09:41

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh nguồn cung cấp dầu và khí đốt dự phòng bị hạn chế trên toàn cầu, việc quan hệ Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng đang làm rung chuyển thị trường dầu mỏ mong manh, đẩy giá lên gần 100 USD/thùng. Nếu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine thì có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô, thậm chí khiến các nước chịu nhiều khó khăn do giá năng lượng leo thang đột biến.

Nếu Nga đóng đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu, sẽ gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Những tuần gần đây, giá dầu thô liên tục tăng do dự báo nhu cầu sẽ vượt nguồn cung, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới và nếu một cuộc xung đột ở Ukraine dẫn đến lượng dầu của Nga cung cấp ra thị trường giảm đáng kể thì sẽ dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu. Mátxcơva xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu và khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu, lục địa đang phải vật lộn với chi phí sưởi ấm gia đình rất cao trong mùa Đông (60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 30% sang Trung Quốc).

Nga đóng một vai trò quan trọng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC). Sau một thời gian gián đoạn sản xuất vì đại dịch Covid-19, OPEC đã cam kết thận trọng đưa thêm dầu trở lại thị trường, nhưng đã không đạt được mục tiêu sản xuất như trước đại dịch. Năm ngoái, tổ chức này đã đồng ý nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày. Theo các nhà phân tích, giá dầu thô, chưa đạt mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014, đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm vào hôm 10-2. Theo đó, tại New York (Mỹ) giá dầu WTI giao tháng 3 đã tăng lên mức 93,1 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 4 tăng vọt lên 94,4 USD/thùng.

Theo dự báo của Hãng dịch vụ tài chính JPMorgan, giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng do căng thẳng với Ukraine. JPMorgan cảnh báo: “Việc xuất khẩu bị gián đoạn trên bất kỳ đường ống lớn nào có thể khiến cân bằng khí đốt tự nhiên của châu Âu rơi vào tình trạng bấp bênh, đặc biệt là khi năm 2022 bắt đầu với lượng tồn kho khí đốt ở châu Âu thấp kỷ lục”.

Các nhà phân tích dự báo, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ. Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Cùng với đó là nguy cơ Nga trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên.

Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng khó có thể xảy ra một sự gián đoạn lớn, vì Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, khiến nước này khó có thể thực hiện hành động trả đũa; đồng thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết không có sự trừng phạt nào là không thể xảy ra và xung đột có thể dẫn đến những hệ quả khó lường.

Giới phân tích nhận định, đứt gãy lớn về xuất khẩu dầu từ Nga sang châu Âu ít có khả năng xảy ra, bởi kịch bản này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Nếu các nhà lãnh đạo có thể tìm ra giải pháp cho những căng thẳng Nga - Ukraine và dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động vào mùa hè năm nay, thì nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu sẽ được bổ sung đáng kể. Ngoài ra, việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng của Lục địa già cũng là một giải pháp quan trọng giúp giảm nhiệt căng thẳng đối với giá dầu.

 Hương Thủy - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân

Nhiều khả năng các doanh nghiệp thủy lợi thành phố và tổ chức thủy lợi cơ sở sẽ hoàn thành công tác cấp nước đổ ải, gieo cấy lúa xuân 2022 đúng tiến độ, kế hoạch. Tuy nhiên, để vụ xuân thắng lợi, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước cấp cho giai đoạn tưới dưỡng lúa.

Mở lối tư duy kinh tế nông nghiệp

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đổi mới phương thức tổ chức, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Trong đó, doanh nghiệp đã khẳng định vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm… Đây là xu hướng tất yếu hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1024817/he-qua-cua-viec-nga---ukraine-gia-tang-cang-thang-gia-nang-luong-leo-thang-dot-bien