Hệ thống thông tin dùng chung Thành phố Hà Nội: Tiền đề hình thành chính quyền số của Thủ đô

14/02/2023 08:22

Kinhte&Xahoi Việc TP Hà Nội xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung sẽ tạo ra thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, giúp hoạt động của chính quyền TP công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân, DN.

TP Hà Nội chính thức vận hành hệ thống thông tin dùng chung, tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính.

Tạo động lực mới

Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân là mục tiêu được hệ thống chính trị TP Hà Nội xác định hết sức quan trọng.

Cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian qua, UBND TP đã và đang triển khai thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa, xây dựng một Chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, việc ban hành Quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 08/02/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số Thành phố là bước cụ thể hóa thực chất và hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và Thành phố.

Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung Thành phố.

  TP Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND TP. Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến ngày 18/1/2023, đã có 633 cơ quan, đơn vị (23 sở, ban, ngành; 30 quận huyện và 579 xã, phường, thị trấn) đã tham gia triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố đáp ứng theo yêu cầu của UBND TP. Đã tổ chức khởi tạo và bàn giao 31.345 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc trên hệ thống. Số lượng văn bản được cập nhật lên hệ thống 96.240 văn bản; số lượng văn bản điện tử được giao dịch thông qua hệ thống là 12.492 văn bản.

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo thành phố, đã có 633 cơ quan, đơn vị tham gia triển khai; tổ chức khởi tạo và bàn giao 3.345 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và thực hiện các chế độ báo cáo trên hệ thống.

Sau 4 tháng triển khai, phần mềm quản lý cuộc họp phục vụ các cuộc họp của Ban cán sự đảng, tập thể UBND TP đã góp phần đổi mới phương thức làm việc tại các cuộc họp từ việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy sang phương thức làm việc trên môi trường mạng, sử dụng văn bản điện tử qua đó tiết kiệm thời gian, giảm giấy tờ, giảm chi phí và nâng cao chất lượng các cuộc họp.

Trong thời gian thí điểm, đã thực hiện gửi 409 giấy mời họp thông qua ứng dụng (ước tiết kiệm được 35 triệu đồng/tháng so với việc gửi tin nhắn qua SMS theo phương thức truyền thống); tổ chức cập nhật hơn 812 file tài liệu, văn bản điện tử thay cho việc in ấn, sao chụp tài liệu giấy (ước tiết kiệm hơn 70 triệu/tháng); thiết lập và hình thành được hệ cơ sở dữ liệu phục vụ việc xác thực, điểm danh khuôn mặt các đại biểu tham gia các cuộc họp tại trụ sở UBND TP.

UBND TP Hà Nội chính thức tiếp nhận kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính tại địa chỉ Zalo Official Acount “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội”.

Cũng bắt đầu từ ngày 10/2, người dân và doanh nghiệp Thủ đô chính thức có thêm một kênh thông tin để phản ánh, kiến nghị với chính quyền Thành phố thông qua ứng dụng Zalo. Thông qua kênh thông tin này, người dân, doanh nghiệp có thể “dễ dàng thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị” về những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước Thành phố tối thiểu từ 5-7% từng năm.

Góp phần xây dựng chính quyền công khai, minh bạch, hiệu quả

Có thể thấy, trước đây, khi chưa áp dụng hệ thống thông tin dùng chung thành phố, công tác chỉ đạo điều hành chưa đạt được tính đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, việc vận hành đơn lẻ các hệ thống trong từng cơ quan đơn vị mất nhiều chi phí và tồn tại hạn chế trong kết nối liên thông.

Khi áp dụng hệ thống thông tin dùng chung sử dụng trên một nền tảng thống nhất phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố đã tạo được bước đột phá trong cơ chế vận hành, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm tối đa nguồn lực, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành trên toàn địa bàn Thành phố đạt được bước đột phá mới.

Là một trong những địa phương triển khai thí điểm hệ thống phần mềm quản lý dùng chung của Thành phố, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, từ trước đến nay, việc ứng dụng phần mềm trong công tác lãnh đạo, quản lý văn bản của quận Nam Từ Liêm đã triển khai từ rất sớm nhưng còn khá sơ khai, chủ yếu là cập nhật danh mục văn bản, gửi và nhập văn bản.

Từ tháng 12/2022 đến nay, quận Nam Từ Liêm đã đã khởi tạo được 71 đầu đơn vị từ cấp ủy, UBND, các cấp ngành, đoàn thể, UBND các phường; khởi tạo được hơn 800 tài khoản để tham gia sử dụng hệ thống và cử cán bộ tham gia khóa tập trung đào tạo của TP; chủ động đào tạo tập huấn cho hơn 800 cán bộ quận tham gia. Đến nay sau hơn 1 tháng thực hiện, UBND quận đã xử lý hơn 1.500 văn bản đến, ban hành hơn 600 văn bản đi, thực hiện rất nhiều nội dung chỉ đạo điều hành trực tiếp trên hệ thống quản lý.

“Sau hơn 1 tháng triển khai, quận nhận thấy những ưu việt của hệ thống dùng chung của TP. Việc tùy biến hỗ trợ rất tốt trong quá trình chỉnh sửa gửi duyệt văn bản dự thảo; hỗ trợ đầy đủ công cụ chữ ký số và tạo hồ sơ lưu trữ điện tử” - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết.

Để tạo thuận lợi hơn nữa trong việc sử dụng phần mềm phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành, quận Nam Từ Liêm đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu các quy trình, xử lý để tiếp tục rút ngắn thao tác để người sử dụng dễ dàng và nhanh hơn. Đồng thời, quan tâm hơn về vấn đề bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

“tôi tin tưởng rằng dự án này sẽ là chìa khóa để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chính quyền của tp, giúp cho công tác quản lý điều hành của bộ máy chính quyền tp theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. vnpt sẽ đồng hành cùng với tp khai thác phần mềm theo đúng kế hoạch và phát huy hiệu quả” - chủ tịch hđtv tập đoàn vnpt tô dũng thái.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đánh giá, Thành phố chính thức triển khai hệ thống thông tin dùng chung TP Hà Nội là bước khẳng định nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Khi hệ thống này của Thành phố đi vào hoạt động, người dân và doanh nghiệp sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Toàn bộ các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc trung gian trong thực hiện các thủ tục, công sức và thời gian của người dân và doanh nghiệp sẽ được giảm đi.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ, công tác trong hệ thống chính quyền của TP Hà Nội sẽ được công khai, minh bạch. Từng công việc của cán bộ, từ khâu đầu đến cuối được thể hiện trên hệ thống. Khâu kiểm tra, giám sát của TP và người dân sẽ thuận lợi hơn.

“Với cách làm này, chúng ta đang hướng đến việc xây dựng chính quyền công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Việc ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của TP Hà Nội đã từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại thông qua sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và văn thư, lưu trữ. Đây là bước đi quan trọng cụ thể hóa những chủ trương lớn thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số, để Thủ đô xứng đáng với vai trò và vị thế của mình.

“Lãnh đạo TP luôn mong muốn nhận được ý kiến của người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, sớm nhất và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ đến khâu cuối cùng. Vì vậy, hệ thống thông tin dùng chung Thành phố Hà Nội chính là công cụ tạo động lực mới cho cán bộ, công chức cũng như người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền TP kịp thời, thống nhất, xuyên suốt” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải. 


Thủy Tiên - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện thành công Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Sáng 13/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ các cấp Thành phố tích cực tham gia có hiệu quả việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội". Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/tien-de-hinh-thanh-chinh-quyen-so-cua-thu-do.html