Hiệu quả thiết thực từ “một cửa” hiện đại

04/02/2024 06:56

Kinhte&Xahoi Năm 2023, Hà Nội đã đẩy mạnh thiết lập bộ phận “một cửa” hiện đại, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, qua đó, toàn thành phố đã giải quyết hồ sơ trước hạn, đúng hạn đạt 99,74%. Kết quả đó là động lực và nền tảng vững chắc để thành phố khắc phục tồn tại, triển khai những mục tiêu mới trong năm 2024.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thái

Thống nhất bộ nhận diện thương hiệu “một cửa”

Nhìn lại một năm triển khai Kế hoạch số 01/KH-UBND (ngày 3-1-2023) của UBND thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội” (bộ phận “một cửa” hiện đại), Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, đến nay, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn đã triển khai đồng loạt Bộ nhận diện thương hiệu tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố. Các trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ người dân khi đến liên hệ thực hiện các thủ tục hành chính.

Một trong những điểm nổi bật của Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố là tạo lập bộ nhận diện thương hiệu bộ phận “một cửa” hiện đại đồng bộ với những giá trị đem lại là: Khoa học, hiệu quả, hiện đại, sẵn sàng, thân thiện.

Hiệu quả rõ nét là hiện các đơn vị đã đồng loạt sử dụng biển hiệu “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” có in slogan “Hành chính phục vụ” và logo hình ảnh 5 bàn tay nắm vào nhau biểu tượng đại đoàn kết. Cùng với đó, bộ phận “một cửa” được ưu tiên đặt ở vị trí thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ tiếp cận. Đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nhìn chung, tại 627 bộ phận “một cửa” trên toàn thành phố đã cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (máy tính, máy in, máy scan). 100% bộ phận “một cửa” tại các đơn vị đều bố trí đủ bàn viết cho công dân đến giao dịch...

Theo công chức văn phòng - thống kê UBND phường Phú Lãm (quận Hà Đông) Hoàng Ngọc Quỳnh, sau khi được cấp trên hướng dẫn, lãnh đạo phường Phú Lãm đã chỉ đạo làm lại biển chỉ dẫn ở ngoài cửa bộ phận “một cửa” và cả biển tên công chức làm việc ở bộ phận “một cửa” kèm số điện thoại theo đúng quy định.

Triển khai “một cửa” hiện đại, UBND huyện Thường Tín đã trang bị cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện máy lấy số thứ tự; tạo mã QR khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong khi đó, UBND quận Hai Bà Trưng cũng đã cải tạo, nâng cấp bộ phận “một cửa” trước đây thành bộ phận “một cửa” hiện đại có tổng diện tích 227m2, với tổng mức đầu tư 2,06 tỷ đồng.

Người dân quét mã QR làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai). Ảnh: Hiền Chi

Nâng hiệu quả bộ phận “một cửa”

Để bảo đảm hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính khi triển khai bộ phận “một cửa” hiện đại, công tác bố trí nhân sự được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Trong năm 2023, Sở Nội vụ Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn công tác cải cách hành chính cho các công chức, viên chức phụ trách tham mưu cải cách hành chính, làm việc tại bộ phận “một cửa” của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Chia sẻ về việc bố trí công chức giải quyết thủ tục hành chính, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn cho biết, việc bố trí công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt, có tinh thần trách nhiệm cao đã góp phần duy trì tốt hoạt động thường xuyên của bộ phận “một cửa” của Sở. Nhờ đó, năm 2023, 100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả đúng hạn và trước hạn.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai bộ phận “một cửa” hiện đại vẫn còn một số khó khăn đang được các cấp, các ngành tìm giải pháp tháo gỡ. Điển hình như bộ phận “một cửa” hiện đại được khuyến khích có diện tích tối thiểu từ 40m2 trở lên. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, theo khảo sát của thành phố, mới có 557/627 (đạt 88,8%) đơn vị bảo đảm được diện tích theo khuyến khích. Một số đơn vị có diện tích bộ phận “một cửa” dưới 20m2, thậm chí chỉ có 10m2 (UBND phường Đồng Xuân, UBND phường Phan Chu Trinh - quận Hoàn Kiếm).

Trước thực tế đó, nhiều đơn vị đã chủ động rà soát, bố trí địa điểm có diện tích phù hợp. Đặc biệt, trung tuần tháng 10-2023, quận Hoàn Kiếm đã triển khai áp dụng sáng kiến thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công “phi địa giới” cấp phường. Theo đó, các thủ tục “Xác nhận tình trạng hôn nhân”, “Trích lục hộ tịch” của 3 phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Cửa Nam được giải quyết trực tuyến hoặc trực tiếp tại Trung tâm hành chính công phường Trần Hưng Đạo.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, mô hình Trung tâm hành chính công “phi địa giới” cấp phường rất phù hợp với các phường có diện tích nhỏ. Trên cơ sở thí điểm của UBND quận Hoàn Kiếm, các đơn vị có diện tích bộ phận “một cửa” dưới 40m2 có thể nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện trên địa bàn.

Từ thực tế triển khai, nhiều đơn vị phản ánh, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của thành phố mới đưa vào vận hành, chưa ổn định nên còn ảnh hưởng đến quá trình giải quyết, xử lý hồ sơ; phần mềm có nhiều tính năng nhưng sắp xếp các bước còn chưa hợp lý...

Ở góc độ người dân, bà Nguyễn Thị Hải (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) cho rằng, việc đầu tư máy lấy số thứ tự xếp hàng là cần thiết đối với bộ phận “một cửa” có nhiều công dân đến giao dịch, tuy nhiên tại bộ phận “một cửa” UBND một số xã, nhiều lúc chỉ có một người vào cũng phải lấy số xếp hàng thì thực sự là không cần thiết.

Với những vấn đề đang đặt ra, các cơ quan, đơn vị cần sớm có giải pháp điều chỉnh, khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ tổ chức, công dân.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam:

Ứng dụng công nghệ trong thực hiện thủ tục hành chính

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ triển khai 1/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đó là thủ tục hành chính giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Xác định đây là nhiệm vụ mới, rất cần thiết cho người dân, Sở đã chỉ đạo bảo đảm các thủ tục được rút gọn, thời gian tiếp nhận, trả kết quả được rút ngắn từ 2 đến 3 ngày so với quy định; kết quả trả theo hình thức trực tuyến.

Một trong các giải pháp điển hình mà Sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện như tạo QRcode để người lao động quét mã qua ứng dụng Zalo khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng video clip hướng dẫn quy trình giải quyết; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các hệ thống bảng điện tử hiển thị tại thang máy của các tòa nhà chung cư, văn phòng về những lợi ích khi công dân thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân hiểu và ủng hộ.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng:

 Hiện đại hóa bộ phận giải quyết thủ tục hành chính

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, UBND quận Ba Đình thời gian qua đã quan tâm triển khai nhiều mô hình, sáng kiến trong cải cách thủ tục hành chính. Trong đó có nhiều mô hình, giải pháp hiện đại, được đánh giá cao như: Giải pháp đặt hẹn trực tuyến trong tiếp nhận hồ sơ hành chính, mô hình “Bộ phận làm ngay” trong giải quyết thủ tục hành chính hay như sáng kiến tạo mã QR tra cứu và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của quận và phường…

Để tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tôi cho rằng cần tiếp tục triển khai Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp”, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc đáp ứng yêu cầu cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến; cải tạo không gian bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính” theo hướng thân thiện, dễ gần, tạo thiện cảm cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Hồng Hạnh:

 Tăng cường kiểm tra, giám sát

Từ thực hiện mô hình “đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức qua việc sử dụng QRcode”, UBND phường Lê Đại Hành đã giảm chi phí, sử dụng giấy tờ và tiết kiệm được thời gian của tổ chức, người dân và bản thân công chức khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, việc thực hiện đánh giá qua việc quét QRcode để tạo điều kiện người dân và tổ chức được thuận tiện, nhanh và không mất nhiều thời gian, thực hiện đánh giá đúng với thực chất sự phục vụ của công chức.

Để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân và tổ chức về cải cách hành chính và chất lượng dịch vụ công của phường, bên cạnh ứng dụng công nghệ, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính. Đồng thời thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Mai Hữu ghi

Hiền Thu - Hà Nôị mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/hieu-qua-thiet-thuc-tu-mot-cua-hien-dai-657644.html