Hiểu rõ về quyền và trách nhiệm với lá phiếu của cử tri

18/05/2021 10:53

Kinhte&Xahoi Cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã cận kề. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các yếu tố cần thiết cho cuộc bầu cử, chủ thể quan trọng làm nên thành công và hiệu quả của cuộc bầu cử chính là cử tri.

Tuyên truyền để cử tri hiểu rõ

 Từ những cuộc bầu cử trước đây cho thấy, đại đa số cử tri đều ý thức được trách nhiệm của mình trước mỗi lần bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND các cấp. Nhưng việc cử tri chưa tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên mà chỉ gạch ngẫu nhiên những người có tên trong danh sách, tình trạng đi bầu hộ, bầu thay… vẫn là chuyện không mới. Nguyên nhân được chỉ ra có cả việc người dân chưa hiểu được quyền quan trọng của mình và cả việc tuyên truyền bầu cử chưa khơi dậy được ý thức và trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân.

Thể hiện quan điểm trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta đang mong muốn, làm sao để mỗi cử tri có thể trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm công dân của mình. Vì thế công tác tuyên truyền hết sức quan trọng để mỗi cử tri xác định được rằng, đi bầu cử là dịp để thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

 Cử tri tham khảo thông tin tại một điểm bầu cử trên địa bàn phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND đã luật định 4 nguyên tắc bầu cử là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 4 nguyên tắc trên cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ hiện nay. Trong đó bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Phiếu bầu của mỗi cử tri có giá trị như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo...

Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp cũng đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu. Như vậy, mọi quy định của pháp luật về bầu cử đã tạo những cơ chế rộng rãi, thuận lợi, dân chủ nhất để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình.

Mong muốn cử tri sẽ “khó tính” hơn

Vấn đề tuyên truyền thế nào để cử tri hiểu về các ứng cử viên đại diện cho mình để có lựa chọn đúng đắn đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Rất nhiều ý kiếu của các chuyên gia cũng như nhà quản lý đưa ra với mong muốn cử tri sẽ “khó tính” hơn để tạo sức nặng cho những lá phiếu của mình, cốt yếu chọn được người xứng đáng nhất, tránh đi bỏ phiếu kiểu “cho xong”, “gạch bừa” chỉ để được đóng dấu “đã đi bầu”.

Hiện các đơn vị, địa phương tại Hà Nội cũng như cả nước đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn để cử tri hiểu được những vấn đề cơ bản, cần thiết trong việc bầu cử. Nhiều địa phương thường thông tin trên loa truyền thanh và qua các buổi họp hội để người dân nắm được những vấn đề cơ bản về bầu cử như ngày bầu cử, khu vực bỏ phiếu… Đặc biệt chú trọng đến những thông tin về tiêu chuẩn ĐB, giúp cử tri hiểu và chọn lựa được người ĐB xứng đáng.

Theo nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, việc tuyên truyền vẫn cần tiếp tục chú trọng hơn, phải làm sao cử tri biết được người ứng cử có những thành tích gì, kinh nghiệm ra sao để lựa chọn. Đã từng có chuyện hình thức trong bầu cử, do cử tri không có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin về ứng cử viên, nên mặc dù trực tiếp đi bầu nhưng cử tri gạch trong danh sách từ dưới gạch lên hoặc từ trên gạch xuống. Do đó trách nhiệm của tuyên truyền là rất lớn.

Theo nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An, hiện nay, khi danh sách các ứng cử viên đã được niêm yết công khai, rộng rãi, cử tri đã biết, đã hiểu phần nào về những người mà họ có quyền lựa chọn trong ngày bầu cử 23/5 tới. Cử tri cũng được tiếp cận với tiểu sử, lý lịch, đặc biệt lời hứa trong chương trình hành động của từng ứng cử viên. Cử tri cũng có dịp để chấm điểm ứng cử viên đó có hội tụ đủ những tiêu chuẩn, tố chất, kỹ năng, điều kiện, năng lực để thực hiện hoạt động của người ĐB dân cử không…

Nếu cử tri làm hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, hiểu giá trị của lá phiếu bầu thực sự có sức nặng, có tính quyết định; thực sự có trách nhiệm, sát sao trong việc đánh giá, lựa chọn ứng cử viên, chắc chắn, sẽ khiến các ứng cử viên nếu trúng cử trở thành ĐB dân cử trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động của họ.

Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, đến nay, trên cả nước có tổng số cử tri là 69.198.594 người thực hiện quyền bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021.

 Hà Bình - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mất cân đối ngành nghề trong đăng ký tuyển sinh 2021

Số liệu Bộ GD&ĐT công bố về số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2021 cho thấy hai vấn đề: Mất cân đối ngành nghề đăng ký và thí sinh còn nhiều băn khoăn trong việc chọn ngành, chọn trường.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/hieu-ro-ve-quyen-va-trach-nhiem-voi-la-phieu-cua-cu-tri-419815.html