Hoàn thành các nội dung và bế mạc kỳ họp thứ mười sáu HĐND thành phố Hà Nội

15/05/2024 14:21

Kinhte&Xahoi Ngày 15-5, sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, tập trung, nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, kỳ họp thứ mười sáu HĐND thành phố Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Tại kỳ họp, HĐND thành phố đã xem xét, thông qua: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025; hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố; ban hành bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng; việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội; việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội (bao gồm nội dung quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với nguồn kinh phí thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội); điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 8 nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất (61 xã, phường/tổng số 624 xã, phường của toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng 10% số lượng đơn vị hành chính cấp xã của toàn quốc sẽ giảm do sắp xếp đợt này).

Vì thế, thời gian tới, đề nghị UBND thành phố tập trung, khẩn trương hoàn thiện Đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị của thành phố, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố.

Đồng thời, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng phương án sắp xếp bảo đảm khoa học, linh hoạt, đúng quy định, phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Phối hợp rà soát, sắp xếp tổ chức Đảng, đoàn thể; sắp xếp tổ chức, bộ máy, đặc biệt, quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Đối với việc sắp xếp các trụ sở, tài sản công, thành phố phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định, hiệu quả và tránh lãng phí. Đồng thời, rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ của nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

Đối với Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, đây là nội dung cần thiết và cấp bách nhằm sửa đổi, bổ sung các nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, tuân thủ theo các quy định mới của Trung ương. Đề nghị UBND thành phố và các cơ quan liên quan triển khai bảo đảm thực hiện theo đúng quy định pháp luật; tài sản công được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

“Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc. Ảnh: Viết Thành.

Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; ưu tiên nguồn lực bố trí cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc của thành phố.

“Đối với các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tư pháp, xây dựng được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp này là cơ sở pháp lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân. Ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND thành phố, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai bảo đảm các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu.

Vũ Thủy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/hoan-thanh-cac-noi-dung-va-be-mac-ky-hop-thu-muoi-sau-hdnd-thanh-pho-ha-noi-666354.html