Hoạt động thương mại điện tử: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế

06/02/2021 09:05

Kinhte&Xahoi Với xu hướng phát triển của nền kinh tế số, nhiều mô hình, hoạt động kinh doanh được thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử. Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm quản lý thuế với hoạt động kinh doanh này, nhờ đó, số thu trong năm 2020 tăng gần 5 lần so với năm 2019. Năm 2021, Cục Thuế Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa việc chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Đỗ Tâm

Thu thuế từ thương mại điện tử tăng gấp gần 5 lần 

Theo Cục Thuế Hà Nội, thời gian qua, Cục Thuế đã nhận diện, phân loại và thu thập dữ liệu các đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để có những biện pháp quản lý cụ thể. Về cơ bản 3 nhóm đối tượng chính, gồm: Các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội; tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm trên Google Play, Apple Store, YouTube...; tổ chức cung cấp dịch vụ, bán hàng (website, ứng dụng bán hàng, sàn thương mại điện tử, cho thuê nhà).

Trên thực tế, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, nhà mạng để có dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh. Từ đó, Cục Thuế vận động các cá nhân tự động kê khai và nộp thuế. Tính đến tháng 12-2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook, YouTube…, đến nay, trên 300 cá nhân đã nộp thuế. Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu hơn 2.000 địa chỉ cho thuê nhà, trên 31.200 cửa hàng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện công tác quản lý thuế.

Từ ngày 1-7-2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử. Nhờ vậy, trong năm 2020, Cục Thuế Hà Nội thu thuế từ thương mại điện tử đạt 123 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy Lê Quang Hùng, trên địa bàn quận, một cá nhân có thu nhập 330 tỷ đồng đã kê khai và nộp thuế hơn 23 tỷ đồng; một người thu nhập 260 tỷ đồng, nộp thuế trên 18 tỷ đồng. Năm 2020, tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy có 65 cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai và nộp thuế 55 tỷ đồng...

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế

Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng cho hay, hiện nay, việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gặp một số khó khăn như: Người nộp thuế chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt quy định pháp luật về thuế; loại hình kinh doanh thương mại điện tử đa dạng trên nhiều nền tảng, không biên giới, đòi hỏi cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp, rõ ràng, dễ tuân thủ; cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong quản lý...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giao dịch thương mại điện tử khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng thay đổi địa chỉ nên khó khăn trong việc nắm bắt giao dịch. Trên thực tế có nhiều người tự giác kê khai, nộp thuế nhưng vẫn có trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Vì vậy, cùng với việc có nền tảng công nghệ tốt, ngành Thuế Hà Nội cần thực hiện biện pháp mạnh với những trường hợp này.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn chia sẻ, xu thế phát triển của thương mại điện tử hiện nay đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh quản lý thuế, chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực này. Năm 2021, giải pháp ưu tiên mà Cục Thuế Hà Nội thực hiện vẫn là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Cùng với đó, ngành Thuế rà soát, phân tích dữ liệu thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị, sở, ngành để thu thập thông tin, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. 

Một giải pháp nữa cũng đang được Cục Thuế Hà Nội triển khai trong năm 2021 là tăng cường phối hợp với các đơn vị trung gian như trung gian thanh toán, vận chuyển, sàn thương mại điện tử để xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế; thường xuyên tổng hợp các vướng mắc về chính sách trong quá trình triển khai để kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp luật, điều chỉnh đối với nhóm đối tượng có hoạt động thương mại điện tử. 

"Các trường hợp Cục Thuế Hà Nội đã thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ nhưng vẫn cố tình không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Nếu các cá nhân không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế sẽ tổng hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố theo quy định của pháp luật", ông Mai Sơn nhấn mạnh.

Hương Thủy - Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dịch vụ giúp việc ngày Tết vẫn ''nóng''

Khi những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, dịch vụ thuê người giúp việc dọn nhà và trông bệnh nhân càng trở thành tâm điểm trong thị trường lao động. Đáng nói, khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì tìm người giúp việc lại càng khó hơn do người lao động e ngại dịch bệnh nên ít đi làm hơn hoặc chọn giải pháp nghỉ việc nhằm hạn chế lây nhiễm bệnh.

Nguồn: Hà Nội mớihttp://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/990573/hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-nhieu-giai-phap-chong-that-thu-thue