Hội chứng hậu COVID-19 - nỗi lo không của riêng ai Kỳ 1: Khỏi bệnh nhưng di chứng “dai dẳng”

22/02/2022 16:16

Kinhte&Xahoi Hiện số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng mặc dù với tỷ lệ bao phủ vắc xin lớn nên số ca tử vong cũng giảm mạnh nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, ngay cả khi đã chữa khỏi, những tác động tiêu cực mà các F0 phải gánh trong đợt dịch này là rất lớn. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam trên 2.740.290 ca mắc COVID-19, chiếm gần 2% dân số. Đáng lo ngại, sau khi khỏi bệnh, một số người đã mắc hội chứng hậu COVID-19 liên quan đến phổi và hô hấp.

Những cơn ho, khó thở kéo dài...

 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết những người mắc COVID-19 đều hồi phục hoàn toàn nhưng các nghiên cứu khoa học cho thấy khoảng 10 - 20% người bệnh trải qua những tác động từ trung hạn đến dài hạn của COVID-19 sau khi đã khỏi bệnh. Những tác động trung và dài hạn này được gọi chung là tình trạng hậu COVID-19 hoặc "COVID kéo dài".

Những di chứng về phổi và hô hấp sau khi mắc COVID-19 có thể kéo dài tùy vào thể trạng và cơ địa của từng người. Khi bị các di chứng hậu COVID-19 chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm rõ rệt và nỗi ám ảnh về căn bệnh nguy hiểm này dường như không thể chấm dứt vì sự đeo bám dai dẳng của những cơn ho và khó thở triền miên.

Sau thời gian điều trị, mặc dù người bệnh đã phục hồi và có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 nhưng sau đó nhiều bệnh nhân vẫn phải chịu tác động từ những di chứng, sự tổn thương tinh thần. Đặc biệt, với những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, bệnh nhân lớn tuổi hay người có nhiều bệnh sẽ là lúc các bệnh nền dễ bộc phát.

Bên cạnh đó, nhiều F0 trẻ, không bệnh nền phàn nàn chuyện khi đang dương tính thì triệu chứng nhẹ chỉ như bị cúm mùa nhưng một thời gian sau khỏi bệnh thì sức khỏe giảm sút, đi lại mệt mỏi, nói vài câu thì hụt hơi...

Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh vẫn bị các triệu chứng hậu COVID-19 dai dẳng, nhất là nhóm F0 nặng phải thở máy

PGS. TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, di chứng về hô hấp và phổi ở những bệnh nhân sau mắc COVID-19 xuất hiện phổ biến với các triệu chứng như ho khan kéo dài, tức ngực, khó thở, ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Các bệnh liên quan đến phổi và hô hấp có thể gặp ở tất cả các đối tượng, đặc biệt ở những bệnh nhân gặp phải tình trạng suy hô hấp trong thời gian bị COVID-19 phải thở oxy, thở máy… có các tổn thương phổi hoặc các bệnh nhân trên 65 tuổi có bệnh lý nền.

Do đó, những bệnh nhân có những triệu chứng hô hấp kéo dài từ 4-12 tuần hoặc kéo dài sau 3 tháng phải đến những cơ sở y tế để khám để phát hiện di chứng và kịp thời can thiệp kịp thời. Các tác động tiêu cực đến sức khỏe khi mắc các bệnh lý hậu COVID-19 là điều không mong muốn. Việc điều trị hiện nay phụ thuộc vào chính bệnh nhân và mức độ bệnh của họ.

Với các bệnh nhân COVID-19 nặng, xuất hiện xơ sẹo phổi hậu COVID-19 sẽ phải điều trị dài ngày, sử dụng thuốc chống viêm, hỗ trợ hô hấp.

Hiệu quả điều trị chỉ có thể đánh giá sau quá trình dài. Còn các trường hợp tổn thương phổi được phát hiện sớm, có phác đồ điều trị phù hợp có thể mang lại hiệu quả tốt trong quá trình hồi phục. Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường thực hiện các bài tập ho, thở, tăng khả năng của hệ hô hấp. Điều này sẽ giúp quá trình phục hồi tốt hơn.

... và chứng mất ngủ dai dẳng

 Các triệu chứng hậu Covid-19 có thể xuất hiện ngay sau khi khỏi bệnh nhưng cũng có nhiều trường hợp sau 4 tuần mới xuất hiện. Những rối loạn này có thể kéo dài trong 4 tuần, thậm chí đến 6 tháng.

Bên cạnh những triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau đầu, ho, khó thở, rụng tóc, mất mùi vị thì tình trạng giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung hay rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ cũng xảy ra với F0 đã âm tính.

Các F0 sau khi khỏi bệnh tái khám do có biểu hiện hậu COVID-19

Anh Nguyễn Kim Sơn (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị mắc COVID-19 và đã điều trị khỏi trong 7 ngày. Tuy nhiên suốt một tháng sau đó, tôi vẫn bị mất ngủ triền miên, thường xuyên thức đến sáng. Cơ thể mệt mỏi vì thiếu ngủ ngoài ra còn bị hụt hơi, khó thở. Tôi rất lo lắng không biết có phải bị hậu COVID-19”.

Việc thiếu ngủ, ngủ không ngon khiến chất lượng cuộc sống giảm sút dẫn đến trầm cảm, các bệnh lý tâm thần khác. Theo BS Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương, rối loạn giấc ngủ sau nhiễm COVID-19 thường xảy ra với các biểu hiện khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được, ngủ hay thức giấc hoặc dậy sớm nhưng mệt mỏi...

Các lý do dẫn đến triệu chứng này bao gồm: Thiếu ánh sáng tự nhiên dẫn đến não giảm tổng hợp Melatonin (là chất giúp có cảm giác buồn ngủ); Do dùng các loại thuốc; Môi trường bệnh viện; Các trải nghiệm xấu trong quá trình nhiễm COVID-19; Các dấu hiệu của bệnh gây nên sự sợ hãi, đặt cơ thể vào tình trạng cảnh giác cao độ nên căng thẳng, gây khó ngủ.

Về hướng xử trí, BS Nguyễn Quang Hòa chia sẻ: “Người bệnh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục. Cụ thể, người bệnh không nên uống cà phê, rượu, trà; Tránh ăn quá no hoặc tập thể dục nặng trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ; Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn. Người bệnh hậu COVID-19 cần kiên trì và lạc quan, từ đó giúp cải thiện giấc ngủ và đưa cơ thể trở lại trạng thái ban đầu”.

 (Còn nữa)

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

4 người ngộ độc khí do đốt than, củi sưởi ấm, 1 người tử vong

Ngày 22-2, theo tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), để chống chọi với giá rét những ngày qua, nhiều người đã sử dụng các biện pháp sưởi ấm, trong đó có việc đốt than, củi. Tuy nhiên, cách sưởi ấm này không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp tử vong, nguy kịch do ngộ độc khí. Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Còn lại 1 trường hợp đã tử vong tại nhà ngay sau khi bị ngộ độc.

4 bước xử trí khi phát hiện F0 trong trường học

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Theo đó, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục gồm 4 bước. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi trở lại trường học.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-1-khoi-benh-nhung-di-chung-dai-dang-190255.html