Hội nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội đối thoại với đoàn viên, thanh niên Thủ đô: Thanh niên gửi gắm tâm tư, kiến nghị nhiều vấn đề nóng

16/03/2022 10:26

Kinhte&Xahoi Chiều nay (16/3), chương trình đối thoại giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với đoàn viên, thanh niên Thủ đô sẽ được tổ chức. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố với thanh niên.

Trước thềm hội nghị, nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã gửi gắm kỳ vọng, đề xuất nhiều vấn đề nóng.

Thanh niên Thủ đô tham gia phòng chống dịch COVID-19

Quan tâm đến cán bộ Đoàn cấp xã

 Theo chị Lê Thị Lan, Bí thư Huyện đoàn Mê Linh (Hà Nội), tổ chức Đoàn là “cái nôi” để thanh niên rèn luyện, trưởng thành; Là nguồn quan trọng bổ sung lực lượng cho hệ thống chính trị. Tuy nhiên, hiện nay, khi hết tuổi Đoàn theo quy định, nhiều cán bộ Đoàn chưa thể sắp xếp vào vị trí mới. Điều này không những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng phong trào Đoàn, Đội mà còn để lại cho những người làm công tác Đoàn nhiều trăn trở.

Chị Lê Thị Lan, Bí thư Huyện đoàn Mê Linh

Chị Lan đề xuất, thành phố cần quan tâm, tăng kinh phí hoạt động cho Đoàn xã cũng như lương của Phó Bí thư Đoàn xã. Mặt khác, cần đảm bảo đầu ra cho Bí thư Đoàn xã quá tuổi trong bối cảnh Đề án 21 làm bế tắc đầu ra.

“Ở các huyện ngoại thành, trung tâm văn hóa thể thao thông tin đóng vai trò như một nhà thiếu nhi giúp các em nhỏ ở xa cung thiếu nhi không bị thiệt thòi. Vì thế, thành phố cần có cơ chế, chính sách phát huy hơn nữa vai trò của các trung tâm này, nhất là ở ngoại thành, bằng cách bổ sung, hoàn thiện thêm chức năng cho các đơn vị”, chị Lan đề xuất.

Tránh thiếu hụt cán bộ Đoàn ở cơ sở

 Chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai cho biết, hiện nay công tác cán bộ Đoàn đang gặp một số khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy nhiều đồng chí cán bộ Đoàn có trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ tốt nhưng chưa phải là công chức và ngược lại. Bên cạnh đó, đặc thù công tác Đoàn và phong trào thanh niên là cán bộ thường xuyên biến động, luân chuyển…dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự ở một số địa phương, đơn vị.

Chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai

Đặc biệt từ sau ngày 1/7/2021, mô hình chính quyền đô thị đã chính thức được thực hiện tại Hà Nội. Hệ thống chính trị tại cấp phường bao gồm Đảng - chính quyền - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Trong đó, các đồng chí thuộc khối chính quyền đã được xét trở thành công chức; Còn lại các đồng chí thuộc khối Đảng - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thì chưa được xét. Điều này cũng tạo nên những trăn trở cho các đồng chí thuộc khối Đảng - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, trong đó có đồng chí Bí thư Đoàn phường.

“Tôi kính đề nghị Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy kiến nghị với Trung ương về việc xét công nhận chức danh công chức đối với các đồng chí thuộc khối Đảng - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cấp phường trong đó có Bí thư Đoàn phường.

Đây chắc chắn sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với các đồng chí đang làm công tác Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tại các phường trên địa bàn thành phố”, chị Nguyễn Quỳnh Trang kiến nghị.

Người trẻ - quan trọng nhất là đạo đức, lối sống

 Đó là đề xuất của anh Nguyễn Hữu Quyết - Bí thư Đoàn trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo anh Quyết, thời gian qua, lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ phát triển như vũ bão tác động không nhỏ đến giới trẻ. Thời gian qua, do dịch bệnh học sinh phải học online và có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.

Anh Nguyễn Hữu Quyết - Bí thư Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

Vì vậy, các cấp ngành cần phải phối hợp có nhiều hành động cụ thể nhằm nâng cao việc giáo dục giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đời sống thẩm mỹ, pháp luật, kỉ luật, kỉ cương đối với đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích, phát huy các phong trào xung kích, sáng tạo; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại ở các cơ sở Đoàn vào thực tiễn cuộc sống.

Từ những hoạt động này tạo môi trường thuận lợi cho đoàn viên thanh niên hội nhập quốc tế trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ IV.

Hiền tài là nguyên khí...

 Bạn Vũ Bá Minh (21 tuổi, sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển) bày tỏ niềm vui, vinh dự và sự háo hức chờ đón buổi đối thoại của đoàn viên, thanh niên Thủ đô với Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Bạn Vũ Bá Minh

Là thanh niên của Thủ đô ngàn năm văn hiến, bản thân Bá Minh luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải giữ gìn, phát huy sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước. Vì vậy, buổi gặp mặt đối thoại lần này mang ý nghĩa rất lớn đối với chàng trai trẻ trong bối cảnh ngày một thay đổi của đất nước.

Các vấn đề được Minh quan tâm nhất lần này là: Thời gian tới, thành phố tiếp tục có những cơ chế, chính sách gì để thu hút, sử dụng tài năng trẻ, thu hút nhân tài tham gia xây dựng Thủ đô, nhất là trong thời buổi chuyển đổi số và cách mạng 4.0 đang dẫn đầu xu hướng.

Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, start-up trẻ được tham gia xây dựng thành phố thông minh như thế nào? Việc quan tâm đến đời sống, khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho tuổi trẻ phát huy tinh thần sáng tạo sau dịch sẽ được triển khai ra sao?

Bá Minh cũng mong muốn chương trình sẽ tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên Thủ đô tiếp tục cố gắng, tích cực tham gia học tập nâng cao trình chuyên môn; Rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh; Đấu tranh chống lại hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng…

 Nguyễn Dũng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ tịch Quốc hội: Trả lời chất vấn cần làm rõ vấn đề, không né tránh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ trưởng Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường cần có câu trả lời rõ ràng, thoả đáng, không né tránh hay vòng vo vấn đề được chất vấn. Đây là hai nội dung tác động lớn đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Sinh viên trở lại giảng đường: Niềm vui xen lẫn nỗi lo

Đã gần 1 tháng kể từ khi các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội quyết định cho sinh viên quay trở lại trường học. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một tháng qua, các trường đại học đã phải liên tục thay đổi kế hoạch học tập từ hình thức học online sang offline rồi lại online. Thêm vào đó, thời điểm sinh viên quay trở lại trường học đúng vào lúc số ca nhiễm Covid-19 tăng cao khiến rất nhiều sinh viên, nhất là các sinh viên ngoại tỉnh lâm vào hoàn cảnh lao đao.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thanh-nien-gui-gam-tam-tu-kien-nghi-nhieu-van-de-nong-191914.html