Hơn 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước khai giảng năm học mới

05/09/2019 10:08

Kinhte&Xahoi Hôm nay 5/9, hơn 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước từ mầm non đến đại học dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020.

Hôm nay 5/9, hơn 24 triệu học sinh cả nước từ mầm non đến đại học dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020. (Ảnh: N.L)

Theo Bộ GD&ĐT, năm học này, có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, trong đó ưu tiên hàng đầu việc triển khai thực hiện là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên quỹ đất cho phát triển giáo dục để hạn chế dần tình trạng quá tải trường lớp, nhất là tại các thành phố lớn.

Từ nhiều năm nay, nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang đứng trước bài toán mật độ dân số đông, cơ sở giáo dục thiếu quỹ đất dẫn đến quá tải trường lớp, quá tải sỹ số học sinh. Nguyên nhân là do tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã gây áp lực lên toàn bộ hệ thống hạ tầng từ nhà cửa, công viên cho đến trường học. 

Trong thư chúc mừng tới ngành Giáo dục trong dịp khai giảng năm học mới trước đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của ngành trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được kết quả tích cực, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên. Việc chuẩn bị cho triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thực hiện tích cực.

Qua thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn năm học mới, các nhà trường tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Thực tế cho thấy, quỹ đất vẫn chủ yếu tập trung phát triển dân cư, nhà máy, đất dành cho giáo dục chưa thực sự được quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, một trong những 9 nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung giải quyết trong năm học 2019-2020 là đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch trường lớp, trong đó ưu tiên quỹ đất phát triển trường học. 

Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các địa phương phải chấm dứt tình trạng thiếu trường học tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để “tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là khẩu hiệu suông, để hoạt động "dạy người" trong nhà trường có chuyển biến thiết thực, rất cần sự nêu gương của đội ngũ thầy cô. Trong đó, vai trò của các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội có vị trí then chốt.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo việc đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh theo hướng thuyết phục, thực chất và cụ thể hơn; yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo trên cả nước chú trọng thực hiện các nhiệm vụ để tạo ra môi trường làm việc, học tập lành mạnh, cùng nhau lan tỏa và nêu gương những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và sáng tạo. 

Đặc biệt, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổ chức đánh giá tổng kết thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" để từng bước nhân rộng ra các nhà trường phổ thông. Tuy vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Trong đó, với học sinh, cha mẹ có vai trò như là "thầy cô" lúc ở nhà vậy. Còn xã hội chính là môi trường sống hằng ngày của học sinh...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus