Hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế trên lòng hồ

08/06/2021 10:17

Kinhte&Xahoi Dựa vào mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đã từng bước nâng cao thu nhập, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế tại địa phương.

 Làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). 

Phát triển mô hình nuôi cá lồng bè

Vào năm 2010, ông Nguyễn Văn Triều và một số người bạn từ vùng sông nước An Giang đã di cư đến mảnh đất Kon Tum để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế. Khi nghe thông tin tại xã Ia Tơi (trước đây thuộc xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) có lòng hồ thủy điện Sê San với diện tích lớn, thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản, ông Triều và vài người bạn của mình đã quyết định đến đây để sinh sống.

Thời gian đầu thử nghiệm khai thác, ông Nguyễn Văn Triều nhận thấy lòng hồ có nguồn lực rất lớn về thủy sản. Trong một ngày, ông Triều có thể thu về hơn 1 tấn cá, chủ yếu là cá cơm, thác lác, leo… và đạt lợi nhuận hơn 15 triệu đồng mỗi ngày.

Vào năm 2015, khi huyện Ia H’Drai được thành lập, chính quyền địa phương đã nhận thấy đây là một mô hình hay để phát triển kinh tế nên đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân sản xuất. Nhờ những chính sách thu hút có hiệu quả, số hộ dân tham gia nuôi trồng trên lòng hồ đã tăng từ 6 hộ lên 29 hộ.

Món bánh tráng cá cơm phơi khô được tỉnh Kon Tum công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. 

Số hộ dân tăng lên, đồng nghĩa với mức độ khai thác thủy sản ngày càng tăng. Do đó, ông Triều cho biết, đã đề xuất với UBND xã Ia Tơi cho phép triển khai mô hình nuôi cá lồng bè để đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt cạn kiệt. Tất cả người dân nơi đây đều đồng thuận và hưởng ứng tích cực ý kiến này với mong muốn nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi cá lồng bé.

Chính quyền địa phương đã cho triển khai mô hình nuôi cá lồng bè và vận động người dân cam kết không đánh bắt vào ngày 14-16 âm lịch hàng tháng vì đây là thời điểm cá sinh sản; đồng thời, thường xuyên phân công cán bộ đến để tuyên truyền cho người dân không thực hiện việc đánh bắt bằng kích điện, bom mìn.

Ông Nguyễn Văn Bình (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) chia sẻ, người dân nơi đây luôn tuân thủ theo các quy định về đánh bắt tại phương, không đánh bắt kiểu tận diệt mà chỉ đánh bắt cá theo kích cỡ nhất định. Người dân hiểu được việc làm ô nhiễm nguồn nước đồng nghĩa với việc làm hại mình nên luôn nhắc nhở nhau không xâm hại đến môi trường sinh thái để cá có thể phát triển.

Do đó, khi các hộ đầu tư vào mô hình nuôi cá trong lồng bè tại lòng hồ, các giống cá đã sinh trưởng rất tốt, một số loài như cá diêu hồng, trèn răng, và thác lác phát triển mạnh hơn dự kiến.

Chị Hà Thị Diễm Bé (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) cho biết, mỗi tháng, gia đình chị có thể thu về hơn 3 tấn cá các loại. Với giá bán hiện nay từ 40.000 – 70.000 đồng/kg, lợi nhuận mà gia đình chị đạt được là hơn 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, chị tập trung khai thác giống cá cơm, có rất nhiều trong lòng hồ và chế biến thành những đặc sản như nước mắm, cá cơm khô và bánh tráng cá cơm. Những sản phẩm mới đã giúp gia đình chị nâng cao thu nhập, vươn lên trở thành những hộ khá giả trong vùng.

Chị Hà Thị Diễm Bé (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) phơi bánh tráng cá cơm trên lưới. 

Hướng đến các sản phẩm OCOP đặc trưng 

Đối với những sản phẩm được làm từ cá, người dân làng chài tại xã Ia Tơi vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống, hình thức đóng gói còn sơ sài. Do đó, các sản phẩm khi đưa ra thị trường đã gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết giá trị, chưa tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Vào năm 2018, huyện Ia H’Drai đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ, Thương Mại, Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Ia H’Drai để hỗ trợ người dân chế biến những sản phẩm từ cá và hướng đến phát triển sản phẩm cá cơm khô trở thành sản phẩm OCOP của vùng; từ đó, tạo được hướng đi mới cho người dân trong việc phát triển từ nguồn lợi thủy sản.

Chủ tịch UBND xã Ia Tơi Trần Trung Dũng cho biết, xã đã vận động các hộ tập trung nguồn cá cơm đánh bắt được về một đầu mối là Hợp tác xã Sê San để cung cấp sản phẩm ra thị trường; đồng thời, hướng dẫn người dân không nên chạy theo giá cả mà bán tháo ra thị trường, làm giảm giá trị sản phẩm và khi bán ra phải có bao bì, nhãn mác để nâng tầm sản phẩm của địa phương. Đây cũng được coi là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Ia Tơi.

Ông Nguyễn Văn Triều (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) tận dụng lợi thế của lòng hồ để thu hút khách du lịch, tăng thêm thu nhập. 

Ông Đặng Văn Thuộc, Giám đốc Hợp tác xã Sê San cho biết, hợp tác xã được thành lập với mục đích tìm đầu ra và giá cả ổn định cho người dân làng chài. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và Hợp tác xã Dịch vụ, Thương Mại, Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Ia H’Drai trong việc đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, in bao bì, nhãn mác đã giúp cho các sản phẩm từ cá cơm khô dần có chỗ đứng trên thị trường. Với giá bán bình quân khoảng 30.000 – 70.000 đồng/kg, các sản phẩm đã thu về nguồn lợi rất lớn, giúp người dân có cuộc sống ngày càng ấm no.

Hiện, Hợp tác xã Sê San đã phát triển 4 sản phẩm được tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Cá cơm khô, cá cơm hộp chế biến, bánh tráng cá cơm khô và nước mắm cá cơm.Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ia H’Drai Trần Văn Chiến cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, cũng cố các chuỗi giá trị hiện có và hỗ trợ xây dựng các dự án liên kết chuỗi giá trị mới trên địa bàn; đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Sê San đã cung cấp ra thị trường nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). 

Ngoài ra, huyện Ia H’Drai đã có chính sách hỗ trợ đất và 50 triệu đồng để người dân làng chài xây nhà tại khu vực gần lòng hồ. Với việc hình thành nên khu dân cư ổn định, người dân sinh sống tại lòng hồ Sê San đã yên tâm phát triển kinh tế, con em được đi học đầy đủ. Một số hộ dân đã triển khai mô hình homestay để phát triển du lịch, thu hút gần 10 đoàn đến tham quan mỗi tháng và kiếm thêm thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/đoàn.

Nhờ sự vào cuộc tính cực của chính quyền địa phương, người dân làng chài tại vùng biên giới Ia H’Drai đã tìm được hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế. Người dân làng chài xem nơi đây như là quê hương thứ 2 của mình, tích cực đóng góp vào sự phát triển về mặt kinh tế xã hội của toàn huyện, giúp vùng biên Ia H’Drai trở thành điểm đến hấp dẫn với những nét độc đáo rất riêng.

 Khoa Chương - Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/huong-di-moi-cho-viec-phat-trien-kinh-te-tren-long-ho-d157693.html