Hy sinh thầm lặng vì cuộc chiến không súng đạn với "giặc" Covid-19

22/04/2020 10:33

Kinhte&Xahoi Ở tuyến đầu của cuộc chiến, những chiến sỹ quân đội tại các đơn vị cách ly đang ngày đêm hi sinh thầm lặng trong cuộc chiến không vũ khí, đạn dược.

Những anh nuôi bất đắc dĩ

Sư đoàn 390, Quân Đoàn 1 là đơn vị tiếp nhận cách ly y tế hơn 800 công dân Việt Nam từ các nước trở về từ ngày 1/3 đến nay. Toàn bộ khuôn viên của Sư đoàn 390 đều được đơn vị bảo đảm để đón tiếp, đưa đồng bào xa xứ vào ăn ở, chăm sóc sức khỏe, thực hiện việc cách ly y tế. Tại đây, các cán bộ chiến sĩ luôn phục vụ tận tình, chu đáo, hết lòng vì nhân dân từ bữa cơm đến giấc ngủ.

Là nhân viên tuyên huấn của Phòng Chính trị - Sư đoàn 390, nhưng Thượng úy Hoàng Ngọc Đồng sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia vào công tác hậu cần, chuẩn bị từng suất cơm, cốc nước cho người dân cách ly tại đây.

Nhiều du học sinh cho biết, cảm thấy may mắn và xúc động khi được các cán bộ, chiến sĩ quan tâm, giúp đỡ tận tình.

Vội vã chia những suất cơm cho người dân, Thượng úy Đồng chia sẻ: “Ban đầu khi được phân công làm công tác hậu cần cho các công dân Việt Nam từ các nước về cách ly, mọi người cũng có phần lo lắng vì chưa từng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt thế này. Nhưng sau khi được các cấp tuyên truyền, giáo dục và qua thông tin nắm bắt được, các cán bộ, chiến sĩ đã ý thức được trách nhiệm của mình, tự động viên mình và động viên đồng đội hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao."

4h sáng, ngoài trời vẫn tối mịt, cả đơn vị vẫn còn chìm trong giấc ngủ, theo phản xạ của “đồng hồ sinh học”, Thượng úy Đồng lập tức bật dậy. Sau vài phút, căn phòng ngủ đã trở nên ngăn nắp, chăn màn trên giường trở nên vuông vắn như những viên gạch.

Lúc này, khu vực bếp ăn của đơn vị đã trở nên náo nhiệt, không ai bảo ai, người chẻ củi, người nhóm lò, thổi cơm, tất cả đều tự ý thức được công việc của mình. Khi trời sáng hẳn cũng là lúc hơn 400 suất ăn được dọn ra để chuyển tới những người đang bị cách ly tại đơn vị.

Gặp lại chiến sỹ trẻ Hoàng Ngọc Đồng khi anh vừa nhàn rỗi cũng là lúc hơn 22h đêm. Chỉ trao đổi được vài câu, anh vội xin phép về nghỉ ngơi để lo công việc sáng sớm mai.

“Mệt nhưng vui chị ạ, hạnh phúc của chúng tôi là khi được nấu ra những bữa ăn ngon miệng phục vụ bà con. Từ khi có bà con ở đây cách ly, đơn vị chúng tôi vui hẳn, các hoạt động sinh hoạt, văn nghệ “từ xa” vẫn được tổ chức để phục vụ về mặt tinh thần cho bà con. Chúng tôi tự hào vì lực lượng quân đội cũng là nòng cốt trong công tác phòng, chống “giặc” Covid-19.”

Với vai trò là một Tiểu Đội trưởng huấn luyện tân binh tại đơn vị, nhưng anh Nguyễn Văn Tiến cũng được giao một nhiệm vụ nặng nề không kém.

Đều đặn những buổi sáng, anh Tiến cùng đồng đội dậy từ rất sớm để dọn dẹp, đun nước tắm cho mọi người, nhắc nhở mọi người phơi chăn màn mỗi khi trời nắng... Đến giờ, anh sẽ đưa cơm cho từng người trong khu cách ly đều đặn 3 lần một ngày.

Khi được hỏi rằng công việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với những người cách ly, có thấy sợ hãi không, anh Tiến chỉ cười và nói rằng: “Ban đầu có vài trường hợp dương tính thì cũng có chút lo lắng, nhưng sau cảm thấy quen dần. Mọi người ở đây rất dễ gần, coi nhau như những người thân thiết trong gia đình nên càng là động lực cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.”

Trong số hàng trăm công dân được cách ly tại đơn vị, có đến 14 trường hợp là trẻ nhỏ, thậm chí có trường hợp chỉ mới 4 tháng tuổi, không có bố mẹ bên cạnh. Điều này lại càng khiến các nữ điều dưỡng nói riêng và các cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị nói chung càng cần quyết tâm, cố gắng hơn bao giờ hết.

Khu cách ly chan chứa tình người

Em Hoàng Trần Minh Hậu (Ba Đình, Hà Nội), du học sinh tại Pháp đang thực hiện cách ly tại Sư đoàn 390, bộc bạch: “Ở đây em rất là yên tâm vì có các anh, các chú chiến sĩ lo toan hết mọi việc. Sống một mình thì sinh hoạt bị đảo lộn, ăn ngủ không đúng giờ, nhưng vào đây thì đến cả giờ ăn và ngủ cũng được các anh đến tận phòng nhắc.

Hậu cho biết, cảm thấy may mắn và xúc động khi được các cán bộ, chiến sĩ quan tâm, giúp đỡ tận tình.

“Buổi sáng 5h thức dậy đã thấy các chiến sĩ dọn dẹp, đun nước để mọi người có nước để tắm. Từ nhỏ đến giờ em chưa có ai đun nước tắm cho mình cả. Sống ở trong này mà cảm giác giống như đi nghỉ dưỡng vì rất thoải mái và có người chăm sóc.”

Từng bữa ăn của người bị cách ly luôn được các chiến sỹ phục vụ tận tỉnh, chu đáo.

Bà Nguyễn Thị Túy (76 tuổi, ở Hà Nội) cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các cán bộ, chiến sĩ tại đây: “Cảm động lắm. Các chiến sĩ rất trẻ, chỉ 20 22 tuổi thôi nhưng các cháu rất chu đáo. Có 45 chiến sĩ thôi nhưng phục vụ gần 500 con người, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Những hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân như thế thì khó phai mờ trong lòng chúng tôi!”

Ý thức rằng mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội là một tuyên truyền viên, là một chiến sỹ quân y, bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, Sư đoàn 390 đã và đang triển khai tốt nhiệm vụ được giao, các cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm hết sức mình vì dân.

Những nữ quân y tại Sư Đoàn 390, cũng đã 1 tháng trời họ chưa được về thăm gia đình. Đều là những người vợ, người mẹ, nhưng họ đành gác mọi việc trong gia đình, gửi con để ở lại đơn vị tham gia vào công tác phòng, chống dịch. 4 nữ điều dưỡng với vóc dáng nhỏ bé nhưng mang trong mình một tinh thần đáng khâm phục, họ chính là những bông hoa hồng thép trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tá Phạm Trí Đính, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 390 chia sẻ: “Phải ở vào những hoàn cảnh ấy thì mới có thể hiểu hết được những khó khăn, vất vả. Đây cũng là trách nhiệm, cũng là nghĩa vụ của quân đội, quân đội chính là đội quân chiến đấu theo đúng tinh thần của Thủ tướng đã khẳng định rằng ‘Chống dịch như chống giặc’.

Các công dân đều là đồng bào của chúng ta đi học tập, làm việc tại nước ngoài, từ vùng có dịch trở về nước chính là sự tin tưởng vào nhà nước, vào quân đội thì không vì lý do gì lại không giúp đỡ. Đây là chính dịp tốt để quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình”.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hy-sinh-tham-lang-vi-cuoc-chien-khong-sung-dan-voi-giac-covid-19-d122413.html