John McCain và ký ức của cựu quản giáo nhà tù Hỏa Lò

04/09/2018 08:50

Kinhte&Xahoi Trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, cựu phi công hải quân Mỹ John McCain tỏ ra bướng bỉnh nhưng điều đó đã giúp ông có cái nhìn khác về chiến tranh và luôn nỗ lực hàn gắn quan hệ Việt - Mỹ.

Một tù binh "bướng bỉnh"

Từng là tù binh chiến tranh tại nhà tù Hỏa Lò, cựu phi công hải quân Mỹ John McCain tỏ ra là một người ngay thẳng, ham đọc sách nhưng cũng khá bướng bỉnh, thường xuyên tranh luận với các quản giáo về cuộc chiến.

Ông McCain vốn là một phi công hải quân Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Một trong số họ là cựu Trại trưởng nhà tù Hỏa Lò, Đại tá Trần Trọng Duyệt. Ông nhớ những lần tranh luận với tù binh bướng bỉnh McCain và ấn tượng với việc ông McCain không bao giờ lung lay quan điểm.

"Tôi ấn tượng với sự bướng bỉnh, không dễ dao động của ông ấy mỗi khi chúng tôi tranh luận", ông Duyệt chia sẻ với AFP. Hàng chục năm sau khi tham chiến, bị bắt giam sau đó được thả tự do, ông McCain đã ra sức vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam-Mỹ.

Ông McCain bị bắt giam 5 năm rưỡi trong nhà tù Hỏa Lò vào tháng 10/1967 sau khi chiếc máy bay do ông điều khiển bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch. Khi đó, ông bị thương nặng ở chân và 2 cánh tay.

Các quản giáo đã nhanh chóng biết được rằng, cha của ông McCain là một đại tá hải quân Mỹ và vì vậy từ đó ông được gán biệt danh “Thái tử”.

Đại tá Trần Trọng Duyệt, cựu Trại trưởng nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: AFP)

Dạy tiếng Anh và coi nhau như bạn

Thời gian đầu bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, ông McCain bị giam riêng biệt và mắc bệnh lỵ. Trong nhiều tháng, ông chỉ ăn bánh mỳ và súp bí đỏ. Trong cuốn hồi ký sau này, McCain kể lại ông đã tìm cách thoát khỏi trầm cảm, đơn độc bằng việc trêu chọc lính canh.

Trả lời phỏng vấn hồi đầu năm nay, ông Duyệt nói: "Người Việt Nam đã cứu ông ấy".

Ông Duyệt cũng kể lại, vào khoảng thời gian cuối cùng khi ông McCain ở nhà tù Hỏa Lò, mối quan hệ giữa họ bắt đầu gần gũi hơn. "Ngoài giờ làm việc, chúng tôi coi nhau như những người bạn. Ông ấy dạy tôi tiếng Anh, ông ấy rất có khả năng sư phạm", Đại tá Duyệt nói.

Ông Duyệt cũng nhớ những lần hai người trò chuyện vui vẻ về gia đình, về những chuyến đi và cả về phụ nữ.

Trang phục phi công của ông John McCain được trưng bày tại bảo tàng nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: AFP)

Vun đắp quan hệ Việt-Mỹ

Ông John McCain qua đời chiều 25/8 sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư não quái ác.

Sau khi giải ngũ vào năm 1981, ông McCain bắt đầu tham gia vào chính trường và trở thành Thượng nghị sĩ Arizona vào năm 1986. Ông được coi là một thượng nghị sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Mỹ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Thượng nghị sĩ John McCain (ngoài cùng bên phải) trong một lần thăm lại Việt Nam. (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ)

Những trải nghiệm sau khi tham chiến và bị bắt giam tại Việt Nam dường như đã giúp ông có cái nhìn khác về chiến tranh. Do vậy, sau khi giải ngũ và theo con đường chính trị, ông luôn vận động để bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ, gạt bỏ quá khứ, hướng tới tương lai.

"Sự cởi mở của ông ấy đối với Việt Nam và việc sẵn sàng trở lại thăm Việt Nam, ôn lại những kỷ niệm cũ có lẽ đã giúp hàn gắn rất nhiều vết thương", Alvin Townley, tác giả cuốn Defiant viết về những tù binh Mỹ ở Hỏa Lò, nhận định.

Ông McCain đã trở lại thăm Việt Nam vài lần kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Ông thậm chí cũng thăm lại nhà tù Hỏa Lò.

Đại tá Duyệt vẫn chưa có dịp gặp lại ông McCain nhưng ông từng tâm sự rằng: “Nếu ông ấy trở lại Việt Nam, tôi sẽ chào đón ông ấy không phải giữa một cựu tù binh và một cựu quản giáo mà là giữa hai cựu chiến binh ở hai mặt trận và gặp lại nhau trên tinh thần hòa giải”, ông Duyệt nói.

Khi nhận được tin ông McCain đã về thế giới bên kia, ông Duyệt buồn bã nói: “Nếu có thể hãy gửi lời chia buồn của tôi tới gia đình ông ấy”.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bước tiến mới trong sản xuất vắcxin “made in Việt Nam”

Việt Nam hiện đã tự sản xuất được 8/12 loại vắcxin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Với việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắcxin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%, Việt Nam đang tiến tới chủ động hoàn toàn vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đảm bảo an toàn vắcxin.