Kết nối & phát triển

20/06/2023 08:13

Kinhte&Xahoi Lịch sử nhân loại đã chứng minh, ở những nơi nào hệ thống giao thông, nhất là đường cao tốc phát triển, thì kinh tế - xã hội của cả vùng, cả quốc gia đó, cũng sẽ phát triển.

Ảnh minh họa

Ở nước ta, giai đoạn 2000 - 2021, cả nước đã đầu tư đưa vào khai thác 1.163km đường cao tốc. Mạng lưới này hiện được đặt mục tiêu tăng lên 5.000km vào 2030, trong đó đến 2025 cần xây được 3.000km. Theo kế hoạch này, trong 9 năm, từ 2021 - 2030, số km cao tốc phải đầu tư xây dựng sẽ gấp gần 4 lần hơn 20 năm qua.

Để thực hiện mục mục tiêu trên, từ 2021 đến nay cả nước đã được đầu tư thêm 566km cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc lên 1.729. “Cùng với những dự án đang thi công với tổng chiều dài 1.756km, nếu tập trung triển khai, đến năm 2025 mục tiêu cả nước có hơn 3.000km có thể đạt được”, đó là ý kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi khởi công 3 dự án: Vành đai 3 TP HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tổ chức mới đây.

Hiện nhiều dự án khác cũng đang được Bộ GTVT cùng các địa phương đẩy nhanh thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu xây 5.000km cao tốc đến năm 2030.

Điều gì đã giúp các tuyến cao tốc ngày càng được xây mới nhanh hơn, bảo đảm chất lượng hơn? Đó là việc mạnh dạn áp dụng các cơ chế mới, hợp lý. Trong đó, các công trình được phân cấp, phân quyền, giao các địa phương là cơ quan chủ trì thực hiện đã giúp đẩy nhanh tiến độ, bởi chỉ mình Bộ GTVT sẽ rất khó khăn. Những dự án này được áp dụng các cơ chế khác, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương; chỉ định nhà thầu thi công, là những điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án cũng đã được các địa phương áp dụng nhiều giải pháp để người dân ủng hộ, chia sẻ, giúp tiến độ được đẩy nhanh. Như tại TP HCM, chỉ trong thời gian ngắn nhưng đến nay, tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho Vành đai đã đạt 87%, được xem là kỳ tích do tính chất phức tạp của việc đền bù cho dự án đi qua nội đô, quy mô lớn, ảnh hưởng nhiều hộ dân.

Việc đồng loạt khánh thành và khởi công những công trình giao thông mới nằm trong định hướng xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, khi hoàn thành, chắc chắn sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành, các vùng miền, cả đất nước. Nói cụ thể hơn, từ TP HCM đến Phan Thiết (Bình Thuận), trước đây đi bằng ô tô mất khoảng 3,5 - 4 tiếng; nhưng nay có thể chỉ hơn 2 tiếng đã tới nơi; quả là “giấc mơ hóa sự thật” với các tài xế. Dư luận cũng mong Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có những sự tính toán hợp lý nhất, để đưa ra mức phí hợp lý nhất với phương tiện sử dụng các cao tốc; để người dân có thể dễ tiếp cận nhất; để phát huy cao nhất tác dụng các công trình quốc gia.

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong bối cảnh các thế lực thù địch đã và đang tích cực sử dụng nền tảng mạng internet và công nghệ để đẩy mạnh chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực

Sáng 19/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Tham dự tại điểm cầu Trung ương, đại biểu thành phố Hà Nội có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Thành ủy về PCTNTC; đồng chí Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Thành ủy về PCTNTC.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/ket-noi-phat-trien-d195141.html