Ảnh minh họa. (Nguồn: Lao động)
Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động đã được các cấp ngành, nhiều tỉnh trên cả nước đặc biệt quan tâm, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hòa Bình, giai đoạn 2022 - 2023, toàn tỉnh có 1.483 lao động đi làm việc ở nước ngoài (riêng năm 2023 gần 900 người), trong đó có 594 lao động nữ, vượt kế hoạch đề ra. Các thị trường người lao động đến làm việc chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... So với các tỉnh khác thì số lượng ở Hòa Bình không nhiều. Nhưng so với các năm trước đây thì số lượng người lao động đi trong năm 2022 và năm 2023 tăng đáng kể.
Tại Hải Dương, số lượng người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhiều và có xu hướng tăng theo các năm. Từ 2021 đến 10 tháng đầu năm 2023, có 23.463 người lao động Hải Dương đi làm việc ở nước ngoài (Đài Loan (Trung Quốc): 11.260 người; Nhật Bản: 11.077 người, Hàn Quốc: 360 người, Khác: 766 người). Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng là 10.629 người.
Thông qua các chương trình phi lợi nhuận, từ 2015 đến nay, có 1.310 người lao động Hải Dương đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS); 188 người đi làm việc ở Nhật Bản theo Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan)…
Tại Bắc Giang, đây là địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều bậc nhất cả nước, bình quân mỗi năm 3.000 - 4.000 người; hàng năm có 30 - 35 DN xuất khẩu lao động về tuyển chọn lao động trên địa bàn. Hiện tỉnh có khoảng 30.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý, theo ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2022 và 10 tháng năm 2023, tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước của một số địa phương khu vực miền Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn…) cao hơn mức bình quân cả nước và cao hơn so với cam kết với phía Hàn Quốc (28%). Theo Trung tâm, tính tới tháng 10/2023, có trên 36.000 lao động đi theo Chương trình EPS đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc; trong đó gồm trên 10.000 lao động cư trú trái phép.
Nhiều ý kiến cho biết thực tế rất ít lao động nào muốn trốn ra ngoài để trở thành lao động “chui”. Bất đắc dĩ vì cuộc sống mưu sinh, lo khi về quê không tìm được việc làm, nên họ mới lựa chọn ở lại làm việc “chui”. Để giải quyết vấn đề này, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), ông Vũ Trọng Bình cho rằng, cần có thêm chính sách tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước; vừa khai thác được nguồn nhân lực chất lượng cao; còn giúp người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài có thể yên tâm về nước đúng hạn.
Cùng với đó, cơ quan chức năng các nước cần phối hợp nghiên cứu, nâng thời gian lao động làm việc ở nước ngoài lên mức 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Từ đó, vừa giúp lao động có thêm thời gian làm việc, tích lũy, gạt đi tâm lý bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại để kiếm thêm thu nhập.
Nói về tình trạng lao động bỏ trốn, làm việc trái phép ở nước ngoài, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, có nguyên nhân từ trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu kém của một số cá nhân... Để hạn chế lao động bỏ trốn, đặc biệt với thị trường có tỷ lệ bỏ trốn cao như Hàn Quốc, ông Liêm cho biết đã có nhiều quy định ràng buộc như lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn; lao động bỏ trốn hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt 80 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2 - 5 năm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Bá Hoan cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng lao động ở nước ngoài bỏ trốn, giải pháp dứt điểm là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài; để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước.
Diệu Thảo - Pháp luật Plus