Khán giả Hà Nội ngỡ ngàng, say đắm với đêm hòa nhạc 'xuống phố'

08/10/2018 15:58

Kinhte&Xahoi Sân khấu hoành tráng giữa không gian phố đi bộ, dàn nhạc giao hưởng không quá cầu kỳ với trang phục biểu diễn nhưng âm nhạc thì vô cùng nghiêm túc và đắm say lòng người...

Đỉnh cao âm nhạc thế giới “xuống phố” vừa gần gũi, vừa cao sang đã khiến người nghe thăng hoa cùng cảm xúc trong đêm hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic-Hanoi Concert 2018 vào ngày 5/10 vừa qua.

Dàn nhạc London Symphon Orchestra (LSO) đến từ nước Anh với những “cây đa, cây đề” trong làng nhạc giao hưởng trình diễn đã “xuống phố” đầy bất ngờ khi bỏ qua vẻ ngoài “đóng hộp” như khi biểu diễn trong các khán phòng đóng kín.

Giữa hàng tấn thiết bị phải chở từ Anh sang, giữa sân khấu được dựng vô cùng hoành tráng, họ như uyển chuyển hơn, dễ gần hơn trong những bộ sơ mi thường ngày. 

Vẫn là vóc dáng nhỏ bé tưởng như rụt rè, nữ nhạc trưởng tài năng Elim Chan cũng hòa mình vào không gian trời thu mát dịu với trang phục giản dị tưởng như có thể ào xuống không gian “trái tim Hà Nội” mà thành một khách bộ hành được ngay.

Thế nhưng, bất ngờ lớn nhất LSO mang đến cho khán giả Việt Nam ở lần thứ 2 đến với Hà Nội, ở đêm nhạc giao hưởng ngoài trời vẫn là âm nhạc. Nhỏ bé là thế nhưng Elim Chan đầy uy lực với cây đũa chỉ huy trong tay. Cô đã khiến cả giàn nhạc phải vang lên những thanh âm mạnh mẽ và quyết liệt, từ hào hùng tới tình cảm.

Không khó để nhận ra những dấu ấn khác biệt Elim Chan để lại, nhất là ở overture The Barber Of Seville hay các vũ khúc Slavionic (Slavionic Dance Op.72, tác giả Dvorak).

Mỗi cây đàn, cây kèn, sáo trong tay các nhạc công lại tạo nên những nét giai điệu đầy cảm xúc. Ấn tượng ngay từ bản nhạc đã tạc vào tâm hồn Việt như giai điệu Quốc ca hào hùng, LSO dần đưa thêm 7 tác phẩm nhạc giao hưởng tầm thế giới đến với khán giả Việt.

Có thể thấy những giọt mồ hôi ướt đầm trên trán của nghệ sĩ solo violin Carmine Lauri trong nhạc khúc kinh điển "Zigeunerweisen" của Sarasate. Sau những khoảnh khắc được đánh giá là giàu cảm xúc nhất trong đêm nhạc, chứng kiến cây vĩ và những ngón tay của violinist như bay múa trên dây đàn, cả nhạc trưởng Elim Chan và đông đảo khán giả cùng dành cho người nghệ sĩ những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt.

Sống với cảm xúc nghệ thuật sau đêm nhạc, nghệ sĩ violin Chương Vũ, nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên được vinh dự nhận bằng Tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn violin tại Mỹ chia sẻ: “Cá nhân tôi, được xem LSO ngay tại Hà Nội, đã cảm thấy thật sự bất ngờ, phấn khích và tự hào bởi lẽ các dàn nhạc hàng đầu giới giới thường rất chọn lọc trong việc lựa chọn các địa điểm biểu diễn và đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đối với một dàn nhạc lớn và uy tín không phải là điều đơn giản.” 

Không chỉ thế, bản thân nghệ sĩ Chương Vũ cũng cảm nhận được tình yêu của lớp khán giả mới không chỉ ngồi trước sân khấu chính mà còn xem chương trình qua các màn hình lớn, trong đó phần đông là người trẻ. Thẩm mỹ thưởng thức được xây dựng từ sớm rất có ý nghĩa với sự phát triển của nhạc giao hưởng nói chung tại Việt Nam.

Chị Nguyễn Phương Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) có 2 cô con gái cùng theo học violin của nhạc sĩ Bùi Công Duy vẫn chưa hết xúc động sau màn trình diễn được thưởng thức qua màn hình lớn khu vực phố đi bộ cùng với hàng ngàn người yêu nhạc khác.

“Các con tôi không chỉ đắm chìm trong âm nhạc từ một dàn nhạc đỉnh cao của thế giới, các con còn biết nhận xét về đàn, về các kỹ năng biểu diễn hay thậm chí phong thái của người nghệ sĩ. Qua các con tôi thấy rõ thẩm mỹ thưởng thức chuyên nghiệp đang dần được hình thành trong thế hệ trẻ. LSO hay những chương trình hòa nhạc xuống phố như thế này quả thật rất ấn tượng và rất cần thiết trong đời sống văn hóa hiện nay.

Âm nhạc giao hưởng biểu diễn ngay trên đường phố mở ra cả một không gian nghệ thuật giữa đời thường. Rời xa khán phòng, nhạc giao hưởng có ngay lớp công chúng của riêng mình. Những người có cảm nhận, thưởng thức bằng cả sự trân trọng với dòng nhạc hàn lâm.

“Cuộc cách mạng ngược” đưa nhạc giao hưởng đến gần hơn với khán giả cũng chính là mong muốn của dàn nhạc LSO. Kết thúc màn trình diễn đầy thành công trước khán giả Việt, trao đổi với phóng viên, ông Gareth Davies, người đang giữ chức Chủ tịch dàn nhạc cho biết, LSO sẽ nỗ lực để có thể trở lại Hà Nội vào năm 2019 với sự góp mặt của Sir Simon Rattle-một trong những nhạc trưởng hàng đầu thế giới, cũng là Giám đốc âm nhạc của LSO.

 

Theo TTXVN/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018

Tăng cường công tác phân tích, dự báo; đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa; triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được Chính phủ ban hành.