Khi “điểm chuẩn” không còn… chuẩn?

26/09/2021 10:31

Kinhte&Xahoi Sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn thì đã có “cơn bão” lạm phát điểm cao chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh ĐH, khi có ngành 30 điểm còn trượt. Với nhiều bất cập sau hai mùa tuyển sinh trong đại dịch, dư luận cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm công bố phương án tuyển sinh mới phù hợp cho năm tới…

Mùa tuyển sinh năm 2021 đang dần khép lại với điểm chuẩn vào ĐH gây sốc. (Ảnh minh họa)

Có thật sự gây hoang mang?

Theo các chuyên gia tuyển sinh, kỳ thi năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hiệu lực của Luật Giáo dục sửa đổi, từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia đã được đổi tên thành kỳ thi Tốt nghiệp THPT, tính chất, mục tiêu của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau dẫn tới sự phân hóa của đề thi và kết quả đạt của thí sinh cũng khác nhau.

Kỳ thi THPT quốc gia trước đây có tính chất “2 trong 1”, kết quả vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ nên tính chất phân hóa của đề thi tốt hơn, có nhiều câu hỏi mang tính thách thức để phân loại các nhóm học sinh trung bình - khá - giỏi.

Tuy nhiên khi chuyển đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi quay trở về tập trung một mục tiêu duy nhất là làm căn cứ xét tốt nghiệp. Theo đó, đề thi có giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa không quá nặng. Thế nên, mặc dù kỳ thi đã bỏ đi tính chất “2 trong 1” nhưng thực tế các trường ĐH-CĐ vẫn chưa thể có được giải pháp thay thế khác đủ tin cậy.

Thống kê điểm chuẩn năm 2021 cho thấy, các ngành đều tăng từ 2 - 4 điểm, cá biệt một số ngành tăng đến 9 điểm. Trước nhiều ý kiến trái chiều rằng “con cái chúng ta giỏi thật” theo một câu chuyện hài về bệnh thành tích trong giáo dục của Azít Nêxin khi mà thí sinh dù có đạt đến điểm tuyệt đối 10 điểm cho từng môn thi thì cũng trượt ĐH. Nhiều người hoảng hốt khi trước đây 27, 28 điểm có thể đã là thủ khoa của một trường ĐH lớn, thì nay điểm thi đó lại là điểm trượt. Thực tế, những năm qua, nhiều thí sinh 27 điểm vẫn trượt nếu đăng ký vào ngành Y đa khoa hay các khối ngành Quân sự, Công an.

Bởi những ngành này chỉ tiêu ít, luôn là cuộc chiến khốc liệt của những thí sinh thực sự giỏi và đủ tự tin để đăng ký nguyện vọng, là truyền thống và niềm tiếc nuối nhiều năm qua với những thí sinh lỡ trượt ở mức điểm 27 điểm. Tuy nhiên, đó là thời điểm trước đại dịch, đề thi mang tính phân loại rõ ràng, thí sinh học lực đến đâu sẽ đạt đến mức điểm đó theo trung bình, khá, giỏi, xuất sắc. Với điểm thi năm nay trong đại dịch, đề thi phần lớn để xét tốt nghiệp, tính phân loại để lựa chọn thí sinh giỏi vào những ngành học cần năng lực thật sự rất khó phân biệt khi các thí sinh đồng loạt đạt điểm cao.

Và trước ồn ào của dư luận, Bộ GD-ĐT đã trao đổi cùng các trường ĐH lớn để xét tuyển bổ sung cho 165 thí sinh từ 27 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là cuộc chơi không công bằng, bởi đó là lựa chọn sau ba lần được thay đổi nguyện vọng của thí sinh. Khi các em đã chọn “cánh cửa hẹp” vào những ngành có truyền thống điểm cao. Nếu trượt nguyện vọng này, các em vẫn còn những nguyện vọng tiếp theo, dù không thể như ý như nguyện vọng đầu tiên mà bản thân đã theo đuổi. Theo đó, các em được xét bổ sung sẽ không công bằng với những thí sinh ở những năm trước 27 điểm vẫn trượt. Có nhiều em vì quá yêu thích ngành y đã lỡ hẹn một năm để chinh phục ước mơ của mình…

Theo nhà văn Nguyễn Hồng Thái, trên mạng xã hội đang nhiều ý kiến vì năm nay có em đạt 30 điểm mà không đỗ nguyện vọng 1, có trường ngành công an lấy điểm chuẩn đến 30,34 điểm, như thế là quá cao, không thể có điểm 3 môn thi “vượt ngưỡng” như thế?...

Nghe con số như vậy, có người đặt câu hỏi, ai có lỗi khi điểm cao không vào được đại học? Thực ra, không ai có lỗi khi các em thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đạt điểm cao. Học lực, đề thi, chấm thi là ba yếu tố cơ bản sẽ cho kết quả kỳ thi quốc gia THPT cao, thấp khác nhau trở thành quy luật trong thi cử. Vấn đề là khi các em đăng ký nguyện vọng để xét tuyển vào đại học thì phải căn cứ vào số lượng, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, từng khoa nên có em trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1), có em không đủ điểm trúng tuyển NV1 thì phải xuống NV2 hoặc NV3..., đó cũng là điều rất bình thường.

Tất nhiên, do chỉ tiêu, hạn mức của từng trường, nhiều em không đạt NV1 cũng là điều dễ hiểu. Nhưng các em có quyền sử dụng các NV sau, ứng tuyển vào các trường, ngành mà mình yêu thích, cơ hội bình đẳng với ứng viên NV1 cùng tốp. Như vậy các em đỗ điểm cao ít gặp rủi ro bị loại khỏi cổng trường đại học, cơ hội luôn nằm trong tay các em.

Trượt nguyện vọng mà mình yêu thích, cũng không nên coi đó là điều rủi ro. Bởi đề thi là đề thi chung, khó cùng khó, dễ cùng dễ. Đề thi khó sẽ phân hóa được số học sinh khá, giỏi giúp các trường dễ tuyển sinh hơn. Tuy nhiên, phương án thi nào cũng khó có thể hoàn hảo. Xã hội cần chấp nhận phương án nào tối ưu nhất.

Nếu thay đổi tuyển sinh, Bộ cần công bố sớm

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT tính phân hóa thấp, trong khi xét tuyển đại học lại cần sự phân hóa cao hơn. Như vậy sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học đã là không phù hợp giữa mục đích và phương tiện. Các trường đại học đang dựa vào thang đo - điểm thi tốt nghiệp - được cho là chuẩn, nhưng lại không chuẩn dẫn đến tuyển sinh mất chuẩn. Về lâu dài, cần tính đến xây dựng các trung tâm khảo thí chung của cả nước, nâng cao chất lượng đề thi. Nếu trong một vài năm tới vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học thì cần có sự phân hóa rõ ràng.

Các trường đại học đang dựa vào thang đo - điểm thi tốt nghiệp - được cho là chuẩn, nhưng lại không chuẩn dẫn đến tuyển sinh mất chuẩn.

Tuy nhiên, nếu giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, trong đó có cả việc ra đề theo hướng chuẩn hóa, xây dựng đề dựa trên ma trận, đặc tả không thể nói là làm ngay được bởi năng lực ở từng địa phương, vùng miền sẽ khác nhau. Và để kỳ thi tốt nghiệp THPT không nặng nề, áp lực thì việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học phải đi vào thực chất hơn và có những công cụ giám sát để đảm bảo công bằng giữa từng nhà trường, từng địa phương.

Trước đó, trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định năm 2022 kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH sẽ được đổi mới theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương và thành lập các trung tâm khảo thí độc lập. Theo đó, năm 2022 có thể coi là bước đi đầu, là năm có tính chất giao thời, chuẩn bị để có đổi mới toàn diện hơn vào năm sau. Ông cũng cho hay, kịch bản của sự đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian tới. Tuy nhiên việc có thể làm ngay là 2 Đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, một số đại học vùng đã có trang thiết bị nhưng một số nơi còn chưa có. Vì vậy, Vụ kế hoạch tài chính trao đổi với các đại học vùng, tập trung các dự án, các nguồn đầu tư thường xuyên và trung hạn của năm 2022, ưu tiên cao cho xây dựng hệ thống trung tâm khảo thí để tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian tới…

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu thay đổi cách thức thi cử của một kỳ thi lớn để áp dụng ngay trong năm học này thì Bộ GD-ĐT cần phải công bố càng sớm càng tốt. Bởi theo thầy Lâm, việc đổi mới kỳ thi là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống cũng như của chất lượng giáo dục, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, nếu giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, trong đó có cả việc ra đề theo hướng chuẩn hóa, xây dựng đề dựa trên ma trận, đặc tả không thể nói là làm ngay được bởi năng lực ở từng địa phương, vùng miền sẽ khác nhau. Và để kỳ thi tốt nghiệp THPT không nặng nề, áp lực thì việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học phải đi vào thực chất hơn với những công cụ giám sát để đảm bảo công bằng giữa từng nhà trường, từng địa phương…

Thầy Vũ Khắc Ngọc (Hệ thống Giáo dục Học Mãi):

Dù kỳ thi nào, các em cũng cần học thật, hiểu thật, năng lực thật!

Từ thực tế mùa tuyển sinh năm nay, lý tưởng nhất là các em học sinh 2004 cũng phải đa dạng hóa các con đường để vào đại học. Sau khi đã tìm hiểu và lựa chọn được một số trường và nhóm ngành mình quan tâm rồi thì cần phải cân nhắc xem trong số các phương thức tuyển sinh đó có những phương thức nào phù hợp nhất và mang lại lợi thế lớn nhất cho bản thân để lựa chọn. Tốt nhất là nên dự phòng đồng thời 2-3 phương thức xét tuyển, miễn sao không quá mâu thuẫn nhau và không tạo ra sự quá tải trong quá trình học và ôn thi.

Trong trường hợp sử dụng các kết quả thi để xét tuyển, hãy nhớ rằng dù là kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường đại học thì nền móng quan trọng nhất vẫn phải là dựa trên học thật, hiểu thật và có năng lực thật. Thay vì sa đà vào việc học các công thức tính nhanh, các mẹo tắt, hãy dành thời gian để học thật chắc, nắm thật vững kiến thức từ bản chất. Như vậy, các em sẽ dễ dàng thích ứng với cấu trúc của nhiều kì thi khác nhau, và có được số điểm tối đa với năng lực của mình. Khi đã hình thành được năng lực tốt rồi thì trước kỳ thi diễn ra một thời gian ngắn, chỉ cần các em luyện tập với một số đề thi mẫu để làm quen với cách thức là có thể chuyển hóa năng lực thành kết quả… 

Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

[Truyện ngắn] Ông Muối

Khuôn mặt vuông vức, tự tin, ông nói có người nghe. Trong buổi chiều nay ông đã tranh thủ gặp được bốn bạn hàng quen thuộc. Những cái bắt tay cho thấy sự tiến triển tốt. Mệt, nhưng thấy vui.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/khi-diem-chuan-khong-con-chuan-d167177.html