Khi người chống tham nhũng cũng “nhúng chàm”

05/08/2020 10:04

Kinhte&Xahoi Nhiều ý kiến cho rằng, khi người được giao trọng trách chống tham nhũng nhưng lại phạm tội hoặc bao che tội phạm tức là đã phản bội niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cần phải xử lý họ ở mức cao hơn bình thường để mài sắc những thanh gươm chống tham nhũng.

Phạm tội dù đang chống tội phạm

“Thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng công an nhân dân” - phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 diễn ra ngày 3/1/2019.

Đường dây cờ bạc của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương hoạt động dưới sự “bảo kê” của 2 tướng công an

Trước đó, năm 2018, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã bị xử lý hình sự vì bảo kê đường dây đánh bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Đổi lại, Dương khai đã biếu các ông Vĩnh, Hóa số tiền hàng chục tỷ đồng; việc này được kiến nghị điều tra, xử lý sau. Cũng trong vụ án này, Đặng Anh Tuấn - Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) bị xác định can thiệp, không cho cấp dưới xác minh việc tổ chức đánh bạc.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng 5 năm qua, nhiều người phạm tội là cán bộ, lãnh đạo trong những lực lượng có chức năng phòng, chống tham nhũng như thanh tra, các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài hành vi bảo kê cho tội phạm trong đường dây đánh bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam vừa kể trên, năm 2019 ông Phan Văn Vĩnh còn bị cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật” khi ký cho bán số gỗ tang vật trong vụ án buôn lậu tại Công ty Ngọc Hưng từ năm 2014. Đáng nói, Công ty Ngọc Hưng khẳng định số gỗ của mình trị giá 315 tỷ đồng nhưng ông Vĩnh và cấp dưới cho bán với giá chỉ 63 tỷ đồng.

Phải xử nặng hơn

“Tôi rất ủng hộ quan điểm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về việc xử lý nghiêm hơn, nặng hơn với những vi phạm của người ở trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Lý do, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải rất tin tưởng mới giao cho họ trọng trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng họ lại phạm tội hoặc bao che cho tội phạm tức là đã phản bội niềm tin đó, làm suy giảm uy tín của hệ thống chính trị trước nhân dân. Ngoài ra, khi những người này vi phạm còn tạo điều kiện cho những kẻ xấu, kẻ tham nhũng có điều kiện hoành hành, đục khoét hơn nữa” - Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nói.

Về tình trạng tiêu cực trong các cơ quan thanh tra, tư pháp, ông Nguyễn Túc cho rằng “vi trùng” tham nhũng không trừ một ai nên không cơ quan nào được phép buông lỏng công tác phòng, chống tham nhũng. Ông nói: “Thực tế vừa qua cho thấy, tham nhũng xuất hiện từ địa phương đến trung ương, ở tất cả lĩnh vực,  ngay các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong hơn 100 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý vừa qua, ngành công an có rất nhiều. Số liệu đó cho ta thấy không được loại trừ việc chống tham nhũng ở bất cứ một ngành nào, không một cơ quan nào được phép có đặc quyền không chống tiêu cực, kể cả tư pháp của Nhà nước, cơ quan Kiểm tra của Đảng và chính các cơ quan này phải làm nghiêm túc hơn các cơ quan khác”.

Luật sư Trương Anh Tú khi trao đổi với Tiền Phong đánh giá, tội phạm tham nhũng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội bởi làm giảm nhịp độ và thậm chí kéo lùi sự phát triển của đất nước. “Bên cạnh sự hi sinh quên mình của các lực lượng chấp pháp, vẫn tồn tại một vài cá nhân có những biểu hiện tha hóa, biến chất, không giữ được mình trước lợi ích để nhắm mắt làm ngơ, bảo kê cho sai phạm. Nếu nhà nước không triệt để xử lý như thời gian qua, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ta chắc chắn không thể đạt kết quả cao” - luật sư Tú nói.

Chống tham nhũng đã thành phong trào

Phân tích về tình trạng tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, tư pháp, ông Nguyễn Túc nói: “Bác Hồ gọi tham nhũng là giặc nội xâm và đã là giặc, nó sẽ vào mọi ngóc ngách của đời sống, không trừ một ai nếu những người đó không có bản lĩnh. Những người có trách nhiệm chống tham nhũng nếu không tỉnh táo sẽ rơi vào vòng xoáy này. Giống như bị can Kim Anh, nguyên là thanh tra Bộ Xây dựng nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đưa tiền để bỏ qua  những sai phạm của họ. Như vậy, đối tượng này đang vẽ đường cho hươu chạy nên cần phải xử lý thật nghiêm. Tôi vẫn nhớ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khi còn làm Bí thư Thành ủy TPHCM đã nói, nếu các đồng chí ăn cắp, Thành ủy sẽ đề nghị Trung ương tăng hạn tù cho các đồng chí lên gấp đôi”.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận, tình trạng tham nhũng trong hệ thống chính trị là một “bộ phận không nhỏ” và cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn dài. Tuy vậy, cuộc chiến này đang nhận sự ủng hộ của người dân, ông nói: “Tham nhũng,  ăn một cách tập thể và bây giờ từ mới gọi là lợi ích nhóm… Để yên dân, không thể để cho sâu mọt ăn tiền ăn của của nhân dân được. Thành ra nhân dân rất đồng tình chống tham nhũng. Việc này đã củng cố, phục hồi lại niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng”.

Ông Túc đánh giá, quá trình phòng, chống tham nhũng là quá trình đấu tranh trong nội bộ Đảng, giữa những người tích cực chống tham nhũng với những người bao che tiêu cực , tay đã “nhúng chàm”. Hiện nay, lực lượng tích cực tăng lên, tiêu cực giảm đi và nhiều người vi phạm đã bị xử lý. “Tôi rất đồng tình với ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là bây giờ chống tham nhũng đã trở thành phong trào” - ông Túc nói.

Ông Nguyễn Túc cho rằng không nên đặt vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực làm mất cán bộ. Ông nói: “Đội ngũ những người tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệt huyết với sự nghiệp của đất nước không thiếu. Cái chính là mình có chọn được, thu hút họ được hay không? Không phải lo sợ nhân tài có ít, kỷ luật nhiều rồi không có người làm việc”.

Giai đoạn 2016 - 2019, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 176 bị can về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp. Số này, nhiều người là lãnh đạo cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương như Nguyễn Chí Phương - Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận 260 triệu đồng để không xử lý cấp dưới; Lê Thị Bích Anh - Phó chánh án huyện Đan Phượng (Hà Nội) nhận từ người nhà bị cáo 300 triệu đồng; Trịnh Trọng Trung - Phó phòng thuộc Cục thi hành án dân sự Hà Nội tham ô số tang vật trị giá hơn 16 tỷ đồng…

Trường Phong - Xuân Ân  -  Theo Tiền Phong

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/khi-nguoi-chong-tham-nhung-cung-nhung-cham-d131304.html