Khi trái tim người làm báo lên tiếng

21/06/2020 09:13

Kinhte&Xahoi Ngày nay, các nhà báo, các tờ báo không chỉ phải chạy đua với nhau mà còn phải chạy đua với một “đối thủ khổng lồ” là mạng xã hội (MXH). Không thể phủ nhận công nghệ đã giúp ích rất lớn cho tốc độ đưa tin, nhưng có vẻ như, lạm dụng công nghệ đang khiến cho việc đưa tin báo chí đi lệch khỏi tôn chỉ quan trọng nhất: tính xác thực.

Bức ảnh đoạt giải Khoảnh khắc báo chí.

Và nhà báo, với trái tim nóng và cái đầu lạnh, bằng sự mẫn cảm nghề nghiệp cùng những thông tin được kiểm chứng, sẽ luôn có giá trị bất biến giữa dòng chảy “bội thực” tin thật, giả khó lường…

Nghề báo có thật sự “mất giá”?

Ngày 26/3/2016, tờ The Independent (Độc lập)- Nhật báo lớn của Anh đã ra số báo in cuối cùng, trước khi chuyển hoàn toàn sang phát hành báo điện tử. Theo thống kê, thời kỳ hoàng kim, tờ báo này phát hành trên 420.000 bản/ngày, nhưng vài năm trước khi dừng xuất bản chỉ còn 40.000 bản/ngày. Việc The Independent không ra bản báo giấy là sự kiện gây bất ngờ trong làng báo chí thế giới, đặc biệt với các tòa soạn báo in.

Tại “đất nước Mặt trời mọc”, báo in cũng đối mặt với những thách thức chưa từng có, khi số lượng xuất bản giảm mạnh. Nhật báo hàng đầu của Nhật Bản là tờ Yomiuri Shimbun có số lượng phát hành lớn nhất thế giới với gần 10 triệu bản/ngày cho số buổi sáng. Tuy nhiên, với sự tác động của truyền thông Internet, gần đây tờ báo một thời “làm mưa, làm gió” ở Nhật Bản cũng phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng phát hành.

Khoảng mười lăm, hai mươi năm trước, khi mà internet chưa phát triển mạnh, mạng xã hội chưa, hoặc mới manh nha ra đời thì báo chí là phương tiện chính đem thông tin đến cho người đọc. Người đọc trả tiền để có được thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn. Nhà báo, về cơ bản, sống được bằng nghề và cũng vì vậy, nhà báo được xã hội tôn trọng. Một bài báo phải đính chính, một nhà báo bị xử lý kỷ luật luôn là một sự kiện gây xôn xao dư luận. 

Nếu như trước đây phần lớn coi nghề báo là nghề cao quý; nhà báo phải “giữ mình” để làm nghề; thì nay không ít người coi viết báo là nghề kiếm sống. Để kiếm sống, để có thu nhập ngày một cao hơn, không ít nhà báo đã bất chấp đạo đức của người cầm bút chân chính, họ làm mọi thứ để có tiền. 

Trong khi đó, mỗi bài báo là một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương, nhưng có lúc là sự hủy hoại. Phía sau tin tức là những số phận con người! Do đó, nếu báo chí xa rời mục đích phụng sự xã hội thì không còn ai tin báo chí nữa và sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải.

Có ý kiến cho rằng, không nghề nào nếm trải nhiều cung bậc và đón nhận nhiều thái độ xã hội như nghề báo. Một bước lên xe, một bước xuống ngựa, sáng đưa chiều đón. Nhưng chầu chực, chờ đợi lại cũng thường xuyên. Vinh quang có, cay đắng có. Bạn bè đông, kẻ thù nhiều. Lúc nhà hàng 5 sao, cao lương mỹ vị; khi nhịn đói giữa rừng, phải ăn bắp non, ổi già, uống nước lỗ chân trâu... Người làm báo là như thế, vinh quang trên đầu và bùn đất dưới chân…

Thế nhưng, sự “mất giá” của nghề báo là một điều có thật. Thật đến nỗi ai làm báo cũng chạm được vào điều đó một cách đau đớn. Thực tế, nghề báo ngày càng khó sống, kinh tế báo chí suy giảm, báo giấy không có thị trường, quảng cáo thì các “đại gia” như Facebook, Google, Youtube… hút hết khách hàng của báo chí.

Nhiều người rời bỏ nghề báo vì không đủ sống. Và còn đó các nhà báo chân chính yêu nghề vẫn bám trụ lại với nghề và kiếm thêm những nghề tay trái mưu sinh nuôi nghiệp chữ. Nhà báo đi dạy, nhà báo mở cửa hàng, quán ăn và buôn bán quần áo online đã là hình ảnh không còn xa lạ. Một số chuyển sang làm PR hay làm nhân viên truyền thông, khá khẩm hơn thì làm giám đốc truyền thông cho các tập đoàn, doanh nghiệp…

Và bạn đọc đã “ngộ độc” thông tin

Song không thể phủ nhận, báo chí đích thực còn đó những nét đẹp, sức mạnh và chức năng riêng. Ngoài chức năng thông tin là một giá trị bất biến, báo chí còn có chức năng chính trị tư tưởng. Sự dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội của báo chí luôn là thứ không thể mất đi trong hoạt động báo chí. Cạnh đó, chức năng giáo dục, giải trí… cũng là mảnh đất để báo chí phát huy những giá trị của mình. Và báo chí vẫn là món ăn tinh thần của nhiều độc giả Việt.

Chính bởi đẹp đẽ và vinh quang là vậy nên nghề báo có những quyền lực riêng mà người ta hay so sánh một cách… ảo tưởng, đó là quyền lực thứ 4 sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thực chất thứ quyền lực này chính là quyền lực thông tin. Ai sở hữu trong tay nhiều thông tin có giá trị thì kẻ đó là người chiến thắng.

Nhà báo lấy lại niềm tin nơi độc giả bằng chính trái tim và trí tuệ của người làm báo. (Ảnh minh họa). 

Thứ quyền lực mềm mại mà uy lực này là thứ khiến nhiều người muốn ở lại với nghề. Nhưng nó cũng là thứ gây ra sự khó khăn cho người làm báo hiện tại. Khó khăn trong thời buổi nhiều nhà báo ảo tưởng sức mạnh để làm những điều trái đạo, trái luật khiến công chúng mất niềm tin vào báo chí.

Trên thực tế, Facebook và Google đã trở thành những tờ báo khổng lồ nhất mọi thời đại. Nếu báo chí cứ cuốn theo cách làm bỏ sở trường, theo sở đoản, chạy đua thông tin với mạng xã hội thì đó sẽ là một sai lầm chí tử, dẫn chúng ta đến một đường hầm không lối thoát…

Có không ít ý kiến cho rằng báo chí truyền thống sẽ phải nhường ngôi cho MXH, khi mỗi người dân chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trên tay là có thể trở thành nhà báo. Hiện thế giới đang ở trong thời kỳ quá tải về thông tin, nhiều chuyên gia còn dùng thuật ngữ “ngộ độc thông tin”.

Chính trong bối cảnh thông tin tràn ngập như thế, công chúng rất muốn tìm đến những nguồn tin mà họ có thể tin cậy, có thể thay họ lựa chọn những nội dung quan trọng nhất, đáng đọc nhất để họ không mất quá nhiều thời gian.

Hơn nữa, nhà báo vốn không chỉ là một nghề, với nhiều người, nó còn là nghiệp phải theo. Đôi khi vượt trên nỗi lo cơm áo gạo tiền của bản thân, nhà báo trở thành chỗ dựa kiếm tìm công lý cho người khác. Nhà báo, báo chí chính là nơi mang lại niềm tin cho một xã hội vốn niềm tin đang trở thành điều xa xỉ. 

Đã qua thời mà nhà báo là người biết thông tin đầu tiên để đưa tin cho mọi người biết. Hiện trên thế giới có xu hướng gọi là “báo chí giải thích”. Thông tin thì độc giả có thể nắm bắt được bằng nhiều cách thức và họ mong muốn báo chí đưa ra những ý kiến mang tính chuyên gia nhằm giúp họ hiểu rõ vấn đề. Có thể nhà báo không phải là chuyên gia một lĩnh vực nào đó nhưng phải là người đưa tiếng nói của chuyên gia đến với độc giả.

Vì thế, việc gầy dựng niềm tin nơi độc giả đã vượt ra khỏi ranh giới đúng sai trong thông tin của từng bài báo. Nó đòi hỏi sự liêm chính và minh bạch cao hơn của chính những người làm báo. Và nhìn nhận một cách lạc quan, đấy chính là cơ hội trong cuộc đua của các tờ báo với những kênh truyền thông không chính thống.

Và điều quan trọng, trái tim của người làm báo chân chính không phải là một cỗ máy! Cuối mỗi hành trình nghề nghiệp, khi nhìn lại con đường mình đi, bằng chính tác phẩm của mình, nhà báo đích thực là người đã đồng hành cùng chính bạn đọc của mình, đồng hành cùng Tổ quốc và nhân dân để làm nên sức nặng của bài báo, góp sức mình khơi dậy những giá trị nhân văn, lòng trắc ẩn, những đúng sai, được mất, những minh bạch, sự công bằng… Nhà báo, trong sự “giữ mình” âm thầm và bền bỉ, sẽ mãi hướng tới cái đẹp, tới những lý tưởng cao đẹp bởi đã “mang nghiệp” vào thân như thế… 

Đạo đức người làm báo là yếu tố sống còn

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì thời gian qua, Hội Nhà Báo Việt Nam tập trung cao độ, quyết liệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo. Hội đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng với Luật Báo chí 2016.

Đối với nhà báo, ngoài Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cơ bản, đầy đủ về hành lang pháp lý, về quyền và nghĩa vụ thì vẫn còn có những điều luật pháp không thể quy định hết được. Có những điều luật pháp không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Đơn cử như có những bình luận, nhận xét trên mạng xã hội chưa thể truy cứu về luật pháp nhưng về đạo đức thì người ta thấy không ổn.

Trước một vấn đề nhạy cảm, nhà báo có nên đưa tin hay không đưa tin, đưa ở mức độ nào, phân tích khía cạnh nào thường phụ thuộc vào chủ quan của người cầm bút, liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đó là chưa nói đến chuyện, trong thời gian qua, có những nhà báo đã dùng nghề nghiệp để trục lợi.

Báo chí có thể không nhanh bằng mạng xã hội nhưng báo chí phải thắng mạng xã hội bằng độ tin cậy, sự thuyết phục của bài báo, bằng trí tuệ và đạo đức người làm báo. Có thể nói rằng, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra nóng bỏng và gay gắt như hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, sống còn đối với lao động báo chí.

Điều này đòi hỏi nhà báo càng phải coi trọng tu dưỡng về đạo đức nghề nghiệp. Cốt lõi của đạo đức báo chí là sự chính trực, trung thực, khách quan... Do vậy, khi nhà báo viết trên các ấn phẩm chính thức hay khi tham gia mạng xã hội, thì vẫn là con người đó, trái tim, khối óc đó, phải luôn luôn bảo vệ các giá trị tốt đẹp, vì lợi ích thiết thân của người dân, lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc.

 Nguyễn Mỹ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chặng đường nào rải bước trên hoa hồng…

Mặc dù báo chí ngày nay đã khác xa báo chí của hơn 10 năm trước - khi báo giấy thơm mùi giấy mực mỗi sớm mai được đón nhận khắp các ngả đường, góc phố, công sở… Thế nhưng, những người trong cuộc, đặc biệt là những nhà báo kỳ cựu đều cho rằng: Nghề báo là một nghề vất vả cả về thể lực, trí tuệ với trách nhiệm xã hội và đòi hỏi nhiều dấn thân, niềm say mê và những hy sinh thầm lặng…

Báo chí cách mạng, cầu nối “ ý Đảng lòng dân”

Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, báo chí đóng vai trò quan trọng, không chỉ là vũ khí sắc bén của những người cộng sản trong tuyên truyền, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng, giúp họ lựa chọn con đường, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/khi-trai-tim-nguoi-lam-bao-len-tieng-d127614.html