Khó đong đếm thiệt hại về kinh tế từ những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cực đoan

06/07/2021 10:01

Kinhte&Xahoi Việt Nam đã và đang trải qua đợt bùng dịch Covid-19, lần thứ tư. Qua ba lần phòng chống dịch Covid-19 chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa hoạt động sản xuất kinh doanh với những chỉ số ấn tượng, thuyết phục.

Trước khi ban hành các quyết sách phòng chống dịch, các địa phương cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân, vốn dĩ rất khó khăn trong mùa dịch. (Ảnh: Thanh niên)

Chống dịch bằng “ngăn sông, cấm chợ” là thiếu bản lĩnh

Trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19, chủ trương của Chính phủ rất rõ cần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở một số địa phương lại có cách chống dịch cứng nhắc, có phần cực đoan theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn…

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản ý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”.

“Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đang đi đúng hướng, cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình. Thời gian tới, dịch bệnh có thể phức tạp hơn, nhưng chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và sự chủ động, sáng tạo của các địa phương”, đó chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP HCM là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước. Hiện nay TP HCM kết nối với các tỉnh chủ yếu thông qua các trục huyết mạch giao thông đường bộ và mạng lưới đường hàng không. Các hoạt động thương mại và đầu tư giữa TP HCM với các tỉnh phía Bắc và miền Trung và các tỉnh Nam Bộ góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế cả nước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Vnexpress

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng cách chống dịch dễ nhất là giãn cách sớm, khoanh vùng rộng và ngăn cản giao thương, song "lãnh đạo có bản lĩnh không làm như vậy". 2 năm Việt Nam chống Covid-19, lãnh đạo Chính phủ từng nhiều lần nhắc nhở các địa phương không được "ngăn sông, cấm chợ".

Có những trường hợp do năng lực chỉ đạo điều hành yếu, chưa hiểu vấn đề, nắm bắt đúng tinh thần chỉ đạo của ban chỉ đạo quốc gia. Song cũng có những trường hợp không hẳn do yếu tố năng lực, mà xuất phát từ tư tưởng chống dịch cục bộ, sợ trách nhiệm. Khi nhận thấy tỉnh láng giềng bùng phát dịch, lập tức “đóng cửa”, “ngăn sông, cấm chợ” để khỏi ảnh hưởng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng "ngăn sông, cấm chợ" nằm ở chỗ lãnh đạo cấp tỉnh muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối trên địa bàn.

"Khi chống dịch cực đoan, lãnh đạo địa phương chỉ nhìn thấy vấn đề của riêng tỉnh mình, cố gắng bảo vệ an toàn cho tỉnh, nhưng không thấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến địa phương khác và cả nước", ông Dũng nói.

Một số địa phương chưa nghiêm túc thực hiện "mục tiêu kép"?

Khi thế giới đã tìm ra vắc xin hữu hiệu, sân cỏ châu Âu đang gần được phủ kín, các chuyến bay quốc tế bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Trong nước chúng ta đã kịp thời điều chỉnh phù hợp đại dịch Covid-19. Bộ Y tế đã ra hướng dẫn các ly thí điểm F1 tại nhà ở TP HCM, và sẽ xem xét cho cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc?

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung Tâm Kiểm soát bênh tật TP HCM (HCDC) từng có đề xuất TP HCM cần tính đến phương án “sống chung” với dịch. Như vậy, từ lãnh đạo cấp Bộ cho đến thành phố đều có chung quan điểm và hướng đi đúng về phòng chống dịch Covid-19.

Một số địa phương đã đóng cửa tạm thời các đường bay kết nối TP HCM.

Nhưng ở đâu đó, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc phối hợp, triển khai mục tiêu kép? Khi tháng 6 và đầu tháng 7/2021 lần lượt chứng kiến hàng loạt các đường bay từ TP HCM đi đến cá sân bay Cát Bi, Vân Đồn, Pleiku, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa… và ngược lại tạm dừng khai thác theo đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố có sân bay, nhằm hạn chế tối đa người về từ vùng dịch.

Động thái đóng cửa tạm thời các đường bay kết  nối TP HCM với các địa phương nằm trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Song, nhu cầu đi lại giao thương, phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu khách quan. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, luồng di chuyển trên các phương tiện đường bộ, đường sắt công cộng và cá nhân vẫn được duy trì và trở thành phương tiện thay thế đường hàng không trong thời gian đóng cửa một số đường bay.

Mặt khác, việc kiểm soát lượng khách từ TP HCM đến các địa phương qua các sân bay lân cận sau đó di chuyển bằng đường bộ đi các tỉnh thành khác là chưa khả thi. Vì vậy, biện pháp tạm dừng một số đường bay chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững.

Thực tế cho thấy, công tác kiểm soát dịch bệnh đối với đường hàng không trong suốt thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, dữ liệu được lưu trữ và có thể truy xuất trên hệ thống checkin của các hãng hàng không cho phép thống kê chính xác, truy vết nhanh chóng những trường hợp có nguy cơ và cần cách ly. Đường hàng không chỉ xuất phát một điểm đi và điểm đến, thì đường bộ và đường sắt ngược lại, hành khách xuất phát một điểm nhưng có thể kết thúc ở nhiều điểm khác nhau có thể?

Như vậy, việc tạm thời dừng đường bay của một số địa phương xem ra còn lúng túng và chưa thực sự hợp lý so với bối cảnh chung, khi đường bộ và đường sắt vẫn song song hoạt động.

Để gỡ nút thắt "ngăn sông, cấm chợ", Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng khi các tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách, cần thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ là "trao đổi với các địa phương liên quan để thống nhất biện pháp".

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, "thành quả chống dịch thì dễ đong đếm, nhưng thiệt hại về kinh tế từ những biện pháp cực đoan nhiều khi rất lớn song khó đong đếm". Vì vậy, mặc dù các địa phương được phân cấp, phân quyền, nhưng khi áp dụng biện pháp chống dịch gây ảnh hưởng tiêu cực đến nơi khác thì phải có sự thống nhất và được Trung ương đồng ý.

Vì vậy, cần phải thống nhất rằng việc thực hiện mục tiêu kép là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. Chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn. Chống dịch là công việc thường xuyên, lâu dài, không phải ngày một, ngày hai. Càng khó khăn, thách thức, càng phải coi đây là động lực, cơ hội!

 Bảo Hà - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/kho-dong-dem-thiet-hai-ve-kinh-te-tu-nhung-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-cuc-doan-d159892.html