Khoán xe công - hiệu quả đã rõ

07/07/2020 17:11

Kinhte&Xahoi Thực hiện chủ trương về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã thí điểm tại 8 đơn vị. Kết quả bước đầu cho thấy, các đơn vị trên tiết kiệm được gần 300 triệu đồng mỗi tháng. Hiệu quả từ việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công là cơ sở để thành phố triển khai ở các đơn vị khác trong thời gian tới.

Một trong hai xe ô tô 16 chỗ phục vụ công tác chung của UBND huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Quang

Tiết kiệm gần 300 triệu đồng mỗi tháng 

Tháng 3-2017, thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại 4 sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội và 4 quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Trì.

Trong đó, 7 đơn vị chọn hình thức khoán cố định hằng tháng đối với từng chức danh, mức khoán cao nhất là 9,3 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng Sở Giao thông - Vận tải khoán theo khoảng cách đi công tác thực tế và đơn giá thanh toán là 13.000 đồng/km. Trên cơ sở đó, các chức danh nhận khoán kinh phí đã chủ động sử dụng xe cá nhân, thuê dịch vụ hoặc sử dụng phương tiện công cộng để đi công tác.

Theo đánh giá của Sở Tài chính Hà Nội, chi phí khoán bình quân của 8 đơn vị trên trong giai đoạn từ tháng 3-2017 đến ngày 31-12-2019 (34 tháng) là 401,9 triệu đồng/tháng. Trong khi chi phí bình quân sử dụng xe phục vụ công tác chung năm 2016 tại các cơ quan trên là 697,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, khi thực hiện khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm cho các cơ quan này là khoảng 295,8 triệu đồng/tháng… 

Thanh Trì là một trong những đơn vị thí điểm khoán xe công, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường cho biết, trước khi thực hiện, huyện Thanh Trì có 4 xe 4 chỗ và 2 xe 16 chỗ. Hiện, huyện chỉ còn 2 xe 16 chỗ dành thực hiện công tác chung.

“Kết quả bước đầu cho thấy, việc thí điểm khoán kinh phí xe ô tô phục vụ công tác chung, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, mà còn góp phần tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm chi ngân sách. Sau gần 3 năm, số tiền tiết kiệm từ việc giảm xe công bình quân là 37,2 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Tiến Cường thông tin.

Lãnh đạo các đơn vị thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công cũng cho hay, các chức danh nhận khoán vẫn chủ động trong công việc. Trong khi đó đơn vị lại tiết kiệm thêm chi phí bảo dưỡng, duy trì phương tiện. Để triển khai tốt việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, các đơn vị đề xuất áp dụng thống nhất hình thức và mức khoán cho các chức danh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, Hà Nội có nhiều phương tiện giao thông công cộng, nên việc thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công đồng bộ là hợp lý. Tuy nhiên, mỗi ngành có tính chất và đặc thù khác nhau. Vì vậy, kết quả thí điểm là cơ sở để tính toán thực hiện khoán xe công đạt hiệu quả cao nhất khi triển khai rộng. 

Sẽ triển khai đồng bộ 

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà, căn cứ tình hình thực tế, Sở đã trình UBND thành phố xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND thành phố về phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Theo đó, đối với các cơ quan Đảng (bao gồm quận ủy, huyện ủy, thị ủy), Chánh Văn phòng Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy quyết định cụ thể chức danh thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe theo các công đoạn, hình thức và mức khoán do Chủ tịch UBND thành phố quy định. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ của tổ chức chính trị - xã hội xem xét, quyết định cụ thể đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe. Hình thức và mức khoán do Chủ tịch UBND thành phố quy định. 

Đối với các chức danh thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã, Sở Tài chính đề xuất phương án Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền quyết định đối tượng thực hiện khoán, công đoạn, hình thức và mức khoán cụ thể.

Ông Nguyễn Việt Hà thông tin, Sở Tài chính đề xuất đơn giá khoán là 13.000 đồng/km, còn mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác bình quân hằng tháng là 9,3 triệu đồng/người. Việc áp dụng mức khoán trên cho tất cả chức danh sẽ giúp các cơ quan, đơn vị linh hoạt hơn trong điều tiết kinh phí sử dụng xe phù hợp với nhu cầu thực tế. 

Như vậy, với phương án trên, khi được thông qua và triển khai rộng rãi, việc khoán xe công trên địa bàn Hà Nội sẽ giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khẩn trương thu thập dữ liệu dân cư

Triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an thành phố Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở khẩn trương rà soát nhân khẩu, hộ khẩu để thu thập thông tin, nhập dữ liệu dân cư toàn thành phố, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Qua đó chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân hiệu quả, thuận lợi hơn.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/972013/khoan-xe-cong---hieu-qua-da-ro