Khởi công đồng loạt 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam

28/09/2020 16:27

Kinhte&Xahoi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công được khởi công đồng loạt vào ngày 30/9.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và đoàn công tác kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chiều 9/9/2020. Ảnh: Vĩnh Phú

Ngày 30/9/2020, Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công theo Nghị quyết 117/2020 của Quốc hội gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Tiến độ nhanh kỷ lục

Sau khoảng 3 tháng từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020 về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với 3 dự án thành cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, đến nay, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đã hoàn thiện, khép kín các trình tự thủ tục để khởi công những gói thầu đầu tiên của 3 dự án này.

Đây là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử ngành GTVT, bởi so với các dự án giao thông trọng điểm trước đây từ lúc dự án được thông qua chủ trương đến thời điểm khởi công xây dựng phải mất khoảng 7 - 8 tháng, thậm chí kéo dài hàng năm. Tuy nhiên, với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam kể trên, thời gian chỉ khoảng 3 tháng.

Thành quả bước đầu đạt được đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT và tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khâu của Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA7 và đơn vị liên quan suốt thời gian qua.

Tại trụ sở Bộ GTVT, các cuộc họp kiểm điểm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là 3 dự án thành phần chuyển đổi sang hình thức đầu tư công được tổ chức hàng tuần nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ khởi công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

“Trong suốt thời gian qua, chúng tôi luôn làm việc cả những ngày nghỉ để triển khai các dự án quan trọng cấp bách, trong đó có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, để đẩy nhanh tiến độ, ngay thời điểm tháng 5/2020, khi Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của các cơ quan đơn vị tham mưu, các ban QLDA tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan.

Sau đó, chỉ hơn một tháng khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 ngày 27/7/2020 về việc chuyển đổi hình thức đầu tư và triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đến ngày 30/7/2020, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định của pháp luật, làm cơ sở để Ban QLDA Thăng Long phát hành hồ sơ mời thầu 9 gói thầu xây lắp của hai dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây; Ban QLDA7 phát hành hồ sơ 4 gói thầu xây lắp dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Sau khi mở thầu (4/9 và 14/9/2020), Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 đã tiến hành lựa chọn những gói thầu ít vướng mắc nhất để triển khai khởi công xây dựng trước.

“Đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật, đáp ứng đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT nói và cho biết, mỗi dự án có một gói thầu xây lắp có nhà thầu thi công.

Đối với các gói thầu xây lắp còn lại, dự kiến lựa chọn xong nhà thầu để có thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến vào cuối tháng 10/2020.

Kiểm soát chặt chất lượng công trình

Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Duy Lợi

Cũng theo ông Nguyễn Duy Lâm, 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thi công khi mặt bằng đã được các địa phương bàn giao cơ bản.

Cụ thể, tính đến ngày 20/9/2020, dự án Mai Sơn - QL45 đã bàn giao mặt bằng đạt 90,2%, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 97,5% và Phan Thiết - Dầu Giây đạt 89%.

“Việc bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu tiếp cận công trường ngay khi khởi công là một đột phá rất lớn, giúp Bộ GTVT triển khai cơ chế thưởng, phạt đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Lâm cho biết, theo yêu cầu của Bộ GTVT, nhà thầu phải xây dựng biện pháp tổ chức thi công hàng tháng, hàng quý, hàng năm cho đến khi hoàn thành công trình theo đúng tiến độ tổng thể của Bộ GTVT, Chính phủ đề ra.

Nhà thầu nào làm chậm hàng tuần, hàng tháng đều xác định được rất cụ thể và trong hợp đồng cũng đã quy định rõ, đối với mỗi ngày nhà thầu vi phạm tiến độ đã phê duyệt thì bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng và tổng giá trị của phần vi phạm không được vượt quá 12% giá trị hợp đồng.

“Bộ GTVT đã quy định rõ trình tự, thủ tục, cách thức để phạt hợp đồng. Nhà thầu vi phạm lần 1 sẽ bị nhắc nhở, lần hai sẽ bị khiển trách và xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh của nhà thầu.

Nếu nhà thầu tiếp tục vi phạm đến lần thứ 3, chúng tôi sẽ đánh giá lại năng lực của nhà thầu để xem xét điều chuyển khối lượng hoặc chấm dứt hợp đồng”, ông Lâm nói và cho biết, Bộ GTVT dành sự quan tâm đặc biệt đến việc kiểm soát tiến độ và chất lượng công trình của 3 dự án này ngay từ bước lựa chọn nhà thầu.

Để đảm bảo công bằng, minh bạch và lựa chọn được những nhà thầu tốt nhất, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014, Nghị định 100/2018, Thông tư 03/2015 của Bộ KH&ĐT và các quy định có liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu của 3 dự án với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, tài chính… khi tham gia đấu thầu.

Trong hồ sơ mời thầu của 3 dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã quy định số lượng tối đa trong liên danh nhà thầu không quá 3 thành viên.

Nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất trong liên danh và từng thành viên tham gia trong liên danh phải thực hiện khối lượng công việc không thấp hơn 25% giá trị gói thầu.

“Đối với nhà thầu phụ xây lắp, tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu.

Việc đưa ra quy định như vậy để khống chế khối lượng được giao cũng như phạm vi công việc của nhà thầu phụ từ đó sẽ kiểm soát được số lượng nhà thầu phụ tham gia vào các gói thầu”, ông Lâm nói.

*Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Điểm đầu tư dự án nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1 khoảng 2,6km, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận), điểm cuối dự án kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km 43+125.

Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,5m, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng nền đường 25m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 12.477,5 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long đảm nhiệm quản lý dự án.

* Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km, điểm đầu tại Km 134+000 (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), điểm cuối tại Km 235+000, giao với QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km 2+500 (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Tốc độ thiết kế giai đoạn hoàn chỉnh 100 - 120km/h, giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.853,9 tỷ đồng do Ban QLDA7 thực hiện.

* Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 dài khoảng 53,5km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. 

Đình Quang  -  Theo Báo Giao thông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Yên Bái tăng cường xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh, video do người dân cung cấp

Qui định cho phép lực lượng CSGT được dựa vào thông tin, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm có hiệu lực góp phần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người dân và hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/khoi-cong-dong-loat-3-du-an-dau-tu-cong-cao-toc-bac--nam-d136364.html