Không lạm dụng thực thi biện pháp cảnh vệ ảnh hưởng đến quyền công dân

04/06/2024 07:32

Kinhte&Xahoi Chiều 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Phiên thảo luận tại hội trường chiều 3-6. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật (như trong Tờ trình của Chính phủ). Theo đại biểu, với đặc điểm, tính chất của công tác cảnh vệ, Luật Cảnh vệ năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có một số điều khoản liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân (đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013), nhất là các quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

Đại biểu nêu ví dụ, như một số biện pháp, quyền hạn về kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nổ súng trong một số trường hợp; huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ và các biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài các biện pháp được quy định trong Luật, theo Tờ trình của Chính phủ, cách thức, quy trình thực hiện công tác cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao của lực lượng Công an nhân dân và có chứa bí mật Nhà nước cần giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết. Các quy định trên là hết sức cần thiết, phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào thì việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phải luôn được đề cao, tránh tùy tiện, lạm dụng việc thực thi các biện pháp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu không thực sự cần thiết (như tùy tiện, lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nổ súng; huy động phương tiện…).

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại hội trường chiều 3-6. Ảnh: quochoi.vn

Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc quan trọng được Hiến pháp quy định, cần được thể hiện trong Luật và các văn bản dưới luật. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 6 vào Điều 5 quy định nguyên tắc sau: Không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bổ sung hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng quy định, để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ. Hiện, vấn đề này dự thảo Luật sửa đổi chưa đề cập đến.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 11, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chế độ cảnh vệ đối với các chức danh: Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết khi đi dự các sự kiện đặc biệt quan trọng trong nước bằng xe ô tô. Hiện Khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi Điều 11 chưa đề cập.

Về sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt tại Điều 20a của Khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, luật hóa, bổ sung vào Khoản 1, Điều 20a thêm nội dung “thời hạn sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt là 5 năm, kể từ ngày ký” để luật hóa và thể hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 14/2018/TT-BCA ngày 15-5-2018 của Bộ Công an quy định về mẫu, quản lý và sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt của lực lượng cảnh vệ, vì trong điều luật vẫn chưa quy định thời hạn sử dụng loại giấy tờ này.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho rằng, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Ngoài bảo đảm an ninh, an toàn, đối tượng cảnh vệ, công tác này còn phục vụ tích cực hoạt động đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi "bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại".

Tại phiên thảo luận, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã tiếp thu, giải trình và làm rõ các nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm…

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu đánh giá tác động đa chiều, kỹ lưỡng nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng nội dung trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện nay.

Đình Hiệp - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sập mái hiên nhà văn hóa ở Phúc Thọ, 6 học sinh bị thương

Chiều 3-6, tại sự kiện khai mạc hè, ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2024 tại thôn Vân Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, trong khi các em nhỏ đang biểu diễn thì mái hiên nhà văn hóa bất ngờ đổ sập, khiến 6 em bị thương.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/khong-lam-dung-thuc-thi-bien-phap-canh-ve-anh-huong-den-quyen-cong-dan-668244.html