Không một đồng tích lũy

11/12/2022 16:24

Kinhte&Xahoi Một vài con số được công bố tại Tọa đàm “Thực trạng lao động khi doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng” tổ chức mới đây đã khiến nhiều người giật mình.

Một vài con số được công bố tại Tọa đàm “Thực trạng lao động khi doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng” tổ chức mới đây đã khiến nhiều người giật mình.

Lãnh đạo Viện Công nhân & Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động) cho biết, khảo sát thực hiện trong tháng 11/2022 với trên 6.200 công nhân ở trên cả ba miền cho kết quả gần 59% công nhân không có tích lũy; nếu mất việc thì 11,7% có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1 - 3 tháng và 12,7% được trên ba tháng.

38% công nhân tham gia khảo sát cho biết đang nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào “tín dụng đen”.

Thời gian làm việc bình thường của công nhân giảm còn 7,25 tiếng mỗi ngày thay vì 8 tiếng như quy định và không có tăng ca. Thu nhập từ đó giảm xuống 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng trong quý III như Tổng cục Thống kê công bố.

Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nếu mất việc.

“Nhiều công nhân đã trả phòng về quê. Tết năm nay đến sớm, thời gian nghỉ với họ dài hơn mọi năm nhưng lại không vui vẻ gì”, đại diện Viện Công nhân & Công đoàn nói, dẫn thống kê hiện tại hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao. Bình quân mỗi gia đình 2 - 3 người, nhân lên hơn 100.000 người chịu ảnh hưởng. Trong số đó có hàng chục nghìn lao động nữ đang mang bầu, nuôi con nhỏ.

Tổng Liên đoàn Lao động thống kê tới ngày 7/12, hơn 42.000 công nhân mất việc, hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 DN trên cả nước. Dự báo từ nay đến hết quý II/2023, các DN sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Ngoài ra sẽ có tình trạng chủ DN bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác.

Còn nhớ trong đợt dịch COVID-19 hồi năm 2021, thực trạng công nhân không có tích lũy đã từng được thấy rõ. Khi các nhà máy tạm thời đóng cửa, công nhân chỉ cầm cự được ít ngày, rồi hàng trăm ngàn người đã bỏ về quê. Vì vậy tới đây, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, rất có thể một lần nữa câu chuyện công nhân bỏ về quê hàng loạt lại tái diễn.

Dự báo ra Tết tình trạng lao động tiếp tục bị cắt giảm giờ làm, mất việc sẽ còn diễn ra; nên công đoàn các tỉnh kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động sớm đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ trước mắt và lâu dài. “Thống kê công bố CPI tăng chỉ 4% nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng tăng rất cao, cứ theo chân công nhân ra chợ thì biết”, một cán bộ công đoàn nói.

Tại cuộc tọa đàm nêu trên, một lần nữa đại diện Công đoàn một số tỉnh tiếp tục nhắc lại những mong mỏi kiến nghị chính đáng: Đó là làm sao giá lẫn lạm phát được kiểm soát tốt để tiền lương công nhân không bị vơi thêm; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân, lao động dịp cuối năm; thanh, kiểm tra DN về chính sách BHXH để hạn chế tình trạng nợ, trì hoãn đóng bảo hiểm ảnh hưởng quyền lợi lao động; hỗ trợ vay lãi suất thấp cho DN thiếu đơn hàng ngoài gói 2% hiện hành; chính sách hỗ trợ cho lao động mất hoặc cắt giảm việc làm cần bỏ đi các thủ tục rườm rà; hỗ trợ cho lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; xem xét gia hạn gói tiền trọ để công nhân có thêm một khoản trong khi tìm việc mới; cân nhắc trích tiếp Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…

Đó là những kiến nghị rất chính đáng, để những người lao động không một đồng tích lũy vượt qua được những khó khăn tạm thời hiện nay.

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/khong-mot-dong-tich-luy-d187662.html