Không thể bỏ qua những phản hồi của phụ huynh học sinh

18/04/2020 21:15

Kinhte&Xahoi Hơn ba tháng học sinh không thể đến trường cũng là hơn ba tháng thực sự khó khăn đối với các trường, đặc biệt là khối các trường ngoài công lập. Việc vẫn phải tổ chức bài giảng, chuẩn bị nhân lực cho lớp học online khiến các trường ngoài công lập phải cân nhắc đến các khoản chi phí.

Việc thu phí dạy học online phải căn cứ trên sự thỏa thuận, đồng thuận của phụ huynh. Ảnh: P.T

Theo ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT) phân tích: Việc thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Với các trường ngoài công lập, việc thu hay không thu học phí dạy online tùy thuộc vào nhà trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất. Các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng, tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ, đồng thời thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có yêu cầu về việc các trường không được phép thu học phí, nhưng điều này gây khó khăn cho trường ngoài công lập, vì thế Sở ra tiếp hướng dẫn về việc các trường ngoài công lập có thể thu phí dạy học online, nhưng phải thỏa thuận và nhận được đồng thuận của các bậc phụ huynh.

Vừa qua, việc một số trường ngoài công lập ra thông báo không thu học phí online khiến các bậc phụ huynh rất ủng hộ và tạo cảm giác về sự sẻ chia. Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho biết: “Khi trường quyết định tìm cách tự chi trả lương cho giáo viên trong tháng 4 để bớt đi phần nào gánh nặng cho phụ huynh, có nhiều cha mẹ tự nguyện chung tay góp sức cùng nhà trường”. Tuy nhiên, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh quyết định: Không nhận bất cứ khoản ủng hộ hay hỗ trợ tự nguyện nào của phụ huynh học sinh, cũng như không thu bất cứ khoản học phí nào liên quan đến việc học online trong tháng 4.

Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cũng cho biết: Trường sẽ cân nhắc cả điều kiện tài chính của phụ huynh, mức thu ở lớp học có nội dung “quốc tế” tới 80% không thể như lớp “quốc tế” 40%.

Ngược lại, những ngày qua, nhiều phụ huynh Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), TP HCM lại rất bức xúc khi nhận được thông báo về việc đóng học phí và các khoản chi phí học phần 4 (học phí một năm chia làm bốn học phần) như tiền ăn uống, xe đưa đón trước ngày 25-4.

Nhiều phụ huynh cho rằng có những khoản chi phí chưa sử dụng, khi các con học online đồng nghĩa với việc một số khoản thu như khi học tập trung trên lớp không sử dụng đến, nên yêu cầu của nhà trường về tiền ăn uống, xe đưa đón là không hợp lý.

Các phụ huynh đã gửi email nêu ý kiến cá nhân tới nhà trường, tuy nhiên cách nhà trường giải thích về các khoản thu khiến họ cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn. Liên quan đến khoản chi phí ăn uống và đưa rước, nhà trường cho biết, vào cuối năm học, tất cả chi phí ăn uống và xe đưa rước chưa được sử dụng sẽ được chuyển vào chi phí của năm học kế tiếp. Khi hoạt động trở lại, nhà trường bảo đảm sẽ chỉ tính chi phí cho những ngày thực tế học sinh có sử dụng xe đưa đón và ăn uống tại trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM: Các trường ngoài công lập thỏa thuận với phụ huynh học sinh về mức thu. Khi đã thỏa thuận thì phải dựa trên nguyên tắc là sự đồng thuận cao, là đa số. Như vậy, ý kiến từ phụ huynh rất quan trọng, nếu không đạt được thỏa thuận với phụ huynh, việc trường thông báo thu phí vừa không thực hiện được, vừa ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, và có thể làm gián đoạn việc học của các con.

Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Khó khăn là tình hình chung của cả nước và mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải chiến thắng dịch bệnh. Vì vậy, tôi mong rằng, các cơ sở giáo dục  bình tĩnh trước khó khăn, chủ động có những giải pháp nhằm hỗ trợ, động viên đội ngũ giáo viên, chung tay đoàn kết, phát huy nội lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, sự đồng hành của phụ huynh học sinh hết sức quan trọng, bởi vậy, các trường muốn giải quyết khó khăn, cần sự đồng hành cũng như lắng nghe những phản hồi của phụ huynh học sinh để có những phương án phù hợp nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/khong-the-bo-qua-nhung-phan-hoi-cua-phu-huynh-hoc-sinh-189308.html