Xử lý số rác này, chúng ta hiện có 1.456 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ 7 cơ sở phát điện, 476 cơ sở đốt không phát điện và có tới 951 cơ sở chôn lấp. Rất nhiều bãi rác trở thành “điểm nóng” khiếu kiện, vì các hộ dân gần đó phản đối việc rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, phát sinh hôi hám, ruồi muỗi, bụi bặm, bệnh tật. Và cũng không thể có đất đâu để cho những bãi rác chôn lấp “phình” to hơn được mãi.
Không thể chậm trễ trong việc phân loại rác thải. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường từ rác, một trong những việc có thể làm ngay là phân loại rác tại nguồn. Vì vậy, những nội dung trong dự thảo Thông tư Quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; là vấn đề mà mọi người nên tìm hiểu, quan tâm.
Theo dự thảo Thông tư, khi thu gom rác tại khu dân cư đến điểm tập kết bằng xe đẩy tay, mỗi công nhân được phân công thu gom một loại rác thay vì gom chung như hiện nay. Tương ứng, mỗi loại chất thải được thu gom trên một phương tiện, gồm có khả năng tái sử dụng tái chế, thực phẩm và các loại khác.
Trong đó, chất thải thực phẩm phải được thu gom trong phương tiện kín khít, nước rỉ rác không chảy trong quá trình xe di chuyển. Trên ngõ xóm, hẻm không được để tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại theo đúng chủng loại được phân công thu gom.
Một điều đáng lưu ý khác, công nhân môi trường có quyền kiểm tra túi đựng rác thải sinh hoạt của người dân và từ chối thu gom nếu chưa phân loại. Ngoài ra, công nhân môi trường cũng có quyền từ chối thu gom rác không đúng với loại được phân công thu gom. Công nhân cũng sẽ theo dõi hộ dân vi phạm, phản ánh tới lực lượng phụ trách vệ sinh môi trường của địa phương.
Nêu một vài quy định đề xuất như trên, để thấy rằng nếu những quy định này có hiệu lực, sẽ gây khó chịu cho không ít người. Một số người do chưa nhận thức được vấn đề, do ý thức chưa cao, chưa hình thành nếp sống văn minh, lịch sự, nên có thể sẽ phản ứng nếu bị từ chối thu gom rác được phân loại sai quy định. Nhưng chúng ta khó có thể làm khác. Việc bảo vệ môi trường đã là rất cấp bách.
Một số ý kiến cho rằng bên cạnh việc liên tục tuyên truyền các quy định mới, ngành TN&MT cũng cần phối hợp với ngành Văn hóa, các tổ chức xã hội phát động những phong trào, trào lưu văn hóa không xả rác bừa bãi; người lịch sự, văn minh là người biết phân loại rác, để rác đúng nơi quy định…
Và đặc biệt, phải áp dụng nghiêm túc các quy định hiện hành về xử phạt các vi phạm như ném rác lung tung, xả rác vô tội vạ. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến 31/12/2024 phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Để thực hiện quy định này, Thông tư nêu trên dự kiến sẽ ban hành tháng 6/2024. Ngành TN&MT nói chung, người lao động trong những đơn vị thu gom rác nói riêng, tới đây có thể áp lực rất nhiều; vì vậy cả xã hội cần cùng vào cuộc, cùng cố gắng, cùng phản đối những hành vi vi phạm, những người ý thức chưa cao; để tạo thành một thói quen mới, nếp sống mới, vì mục đích bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Minh Khang - Pháp luật Plus