Không trung thực trong khai báo dịch Covid: Xử lý thế nào mới đủ tính răn đe?

10/03/2020 15:52

Kinhte&Xahoi Các mức xử phạt vi phạm hành chính hiện quy định rất thấp, không đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Việt Nam vừa ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19, nâng  tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 33. Điều đó chứng tỏ tình hình dịch bệnh ở nước ta đã bước sang giai đoạn phức tạp. Vậy nhưng giữa tâm bão ấy, một số cá nhân vẫn có hành vi không trung thực trong khai báo dịch bệnh, khiến cho tình hình dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Pháp luật plus đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý về vấn đề này.

Phường Trúc Bạch đang là điểm cách ly do Covid-19 tại Hà Nội.

Theo nhận định của luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi này là đáng lên án bởi lẽ trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đang tập trung nỗ lực để phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì việc một cá nhân cố tình trốn tránh cách ly Covid-19 cũng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả phòng chống bệnh dịch của Nhà nước.

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật này; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Luật sư Cường cho rằng, việc cố tình trốn cách ly Covid-19 bằng thủ đoạn "đánh tráo" người cần cách ly là hành vi cần phải xử lý nghiêm. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng quan điểm với luật sư Cường, LS Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, giữa tâm đại dịch COVID-19 hiện nay, việc đề cao trách nhiệm, ý thức cá nhân trong việc phòng, chống dịch là vô cùng cần thiết. Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, có 3 hành vi có liên quan đến việc khai báo lịch sử dịch tễ. Cụ thể, quy định các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, cố ý khai báo thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, nếu cơ quan chức năng xác định rõ là các cá nhân có hành vi từ chối hoặc trốn tránh khai báo y tế thì hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ/CP); Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ (Điều 9 Nghị định 176/2013/NĐ/CP); Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định (Điều 12 Nghị định 176/2013/NĐ/CP). Hơn nữa, nếu hành vi không khai báo y tế, khai báo sai sự thật, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh và gây nguy hiểm cho cộng đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 240 của Bộ Luật hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với mức phạt lên tới 12 năm tù giam.

Tuy nhiên, luật sư Thái cho rằng, các mức xử phạt vi phạm hành chính hiện quy định rất thấp, không đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát phức tạp tại Việt Nam hiện nay thì việc nâng cao ý thức khai báo y tế trung thực là vô cùng cấp thiết, không những bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn đảm bảo khoanh vùng dịch tễ, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Pháp luật ở các nước trên thế giới đều có những quy định, chế tài xử lý vi phạm khác nhau nhưng đều thể hiện tính răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng có hành vi vi phạm về phòng, chống dịch. Nhiều quốc gia như Nga, Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan áp dụng lệnh phạt tiền, thậm chí truy tố hình sự đối với người vi phạm lệnh cách ly hay che giấu bệnh truyền nhiễm.

Về điều này, luật sư Hoàng Việt Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật nhiều nước trên thế giới thường có chế tài rất nghiêm khắc đối với hành vi khai báo y tế gian dối, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, Chính phủ có thể ban hành đạo luật riêng mà không cần thông qua các cơ quan lập pháp để ứng phó với tình hình dịch bệnh.

Như tại Cộng hoà Czech, trước tình trạng diễn biến dịch bệnh tại Italia, Chính phủ có thể ban hành ngay quy định: các công dân từ Italy trở về nước từ ngày 7/3 sẽ phải liên hệ với bác sĩ và tự cách ly trong 14 ngày. Nếu vi phạm có thể bị phạt lên tới 3 triệu Korun, tương đương hơn 3 tỷ đồng.

Israel thông báo từ tháng 2, những người trở về từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Singapore và Thái Lan được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Những người cố ý vi phạm lệnh cách ly có thể bị phạt tù 7 năm, trường hợp vô ý thực hiện hành vi này có thể bị phạt 3 năm tù. Chính phủ cũng kêu gọi người dân thông báo với chính quyền những người vi phạm lệnh cách ly bằng cách cung cấp thông tin qua một trang web của chính phủ.

Singapore, đối với hành vi khai báo y tế gian dối dù là lần đầu cũng có thể bị phạt 6 tháng tù hoặc 10.000 đô la Sing hay thậm chí chịu cả hai hình thức này. Như vậy, pháp luật nhiều nước họ xem xét hành vi, chứ không quan tâm nhiều đến hậu quả, nghĩa là có hành vi là bị xử phạt.

Còn pháp luật hình sự Việt Nam thì xem hậu quả là yếu tố cơ bản để cấu thành tội phạm, tuy nhiên để xác định hậu quả của hành vi khai báo y tế gian dối và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra là rất khó. Nên, dù hậu quả rất nghiêm trọng đã xảy ra như gây hoang mang cho cộng đồng, thiệt hại về kinh tế cho nhiều người do hành vi khai báo gian dối y tế của một vài cá nhân trong thời gian gần đây cũng rất khó để áp dụng các chế tài hình sự nghiêm khắc.

Hiện tại, trên thế giới ghi nhận 106.355 trường hợp mắc, 3.600 tử vong tại 102 quốc gia, vùng lãnh thổ. Xu hướng hiện nay cho thấy số mắc mỗi ngày không có tình trạng tăng vọt, duy trì ở mức khoảng trên 1.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày và có thể tăng nhẹ trong một vài ngày tới.

Đến 15h15 ngày 10/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 33 ca dương tính, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi, 17 ca mới ghi nhận (trong đó: 6 ca người Việt, 11 ca là người nước ngoài) hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/khong-trung-thuc-trong-khai-bao-dich-covid-xu-ly-the-nao-moi-du-tinh-ran-de-d119071.html