Kiềm chế lạm phát để hiện thực mục tiêu tăng trưởng

08/04/2024 13:12

Kinhte&Xahoi Nền kinh tế đã đi qua 1/4 thời gian của năm kế hoạch 2024 và thu về những kết quả khá tích cực, thể hiện rõ xu hướng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, lạm phát đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đạt được tạo niềm tin năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khống chế đà tăng giá tiêu dùng thành công…

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

CPI trong vòng kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 3-2024 giảm 0,23% so với tháng 2-2024. Tính chung cả quý I-2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Theo các chuyên gia, đây là diễn biến bình thường, thậm chí thấp hơn kết quả cùng kỳ của các năm gần đây, cho thấy, lạm phát đang ở mức độ an toàn, có thể nhận định là thành công ban đầu của nền kinh tế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, có được sự kiểm soát tốt như trên là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát. Thực tế, việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất... đã góp phần kiềm chế lạm phát hiệu quả.

Song, không vì thế mà có thể chủ quan, xem thường, bởi tình hình trước mắt không hoàn toàn thuận lợi và vẫn có thể xuất hiện những áp lực lạm phát không nhỏ trong thời gian còn lại của năm 2024. Đó là xung đột, bất ổn leo thang ở một số khu vực, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. Giá nguyên, vật liệu đầu vào trên toàn thế giới đang ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí sẽ tác động làm tăng CPI. Cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu có thể kéo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên. Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công sẽ đẩy nhu cầu tiêu dùng một số loại nguyên, vật liệu, gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương cũng là yếu tố cần tính đến.

Chủ động ứng phó, làm chủ tình hình

Trên cơ sở thực tiễn thị trường trong nước, tình hình thế giới và các yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam, Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024, tương ứng với CPI bình quân lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%. Nhưng thực tế cho thấy, dù ở kịch bản nào, công tác điều hành, với những giải pháp phù hợp, kịp thời vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để kiểm soát lạm phát, kìm giữ đà tăng giá cả thị trường. Đó là chủ động xây dựng và báo cáo các phương án tăng giá mặt hàng thiết yếu (điện, xăng, dầu, dịch vụ y tế, giáo dục...) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể, tránh tác động mạnh lên mặt bằng giá chung. Kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát và có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá cả trong nước.

Liên quan đến việc bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đề nghị đặc biệt lưu tâm đến xăng, dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ quan chức năng nên có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung điện, xăng, dầu và nâng cao năng lực dự trữ quốc gia. Đồng thời, có các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã cam kết và triển khai các giải pháp cụ thể không để xảy ra tình trạng thiếu điện, xăng, dầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước cũng kiên định chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa; quan tâm giữ giá trị VND, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng cần theo sát tình hình, sẵn sàng vận dụng, phát huy các yếu tố có thể kiềm chế lạm phát, đặc biệt là sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người dân và xu hướng “hạ nhiệt” của lạm phát toàn cầu… Việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát còn tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, kết hợp với truyền thông kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận, ổn định tâm lý người tiêu dùng, ổn định kỳ vọng lạm phát.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhận định, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4% đến 4,5% là khả thi.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:

Áp lực lạm phát năm nay khá lớn

Quý I-2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023 là mức bình thường, thậm chí còn thấp hơn cùng thời điểm năm trước. Thông thường, CPI tháng 1 và tháng 2 cao vì rơi vào tháng có Tết Nguyên đán và sang đến tháng 3 mức tăng thấp hơn. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm nay là khá lớn bởi thời gian qua giá vàng tăng mạnh, giá USD cũng đi lên. Vì vậy, cần theo dõi cẩn trọng trong quá trình xem xét giá cả. Giá vàng và giá USD không nằm trong giỏ tính hàng hóa CPI song giá vàng tăng khiến giá USD tăng theo. Giá USD tăng sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, từ đó tác động lên giá cả thị trường...

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp theo dõi để cần thiết can thiệp tỷ giá USD/VND, đồng thời ổn định thị trường vàng. Cùng với đó, cơ quan quản lý theo dõi, kiểm tra giá cả mặt hàng trong nước; việc điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ Nhà nước quản lý cũng cần xem xét vào thời điểm phù hợp để không gây sức ép lên hoạt động giá cả của nền kinh tế.

Bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội:

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc một cách kịp thời thông qua biện pháp phù hợp, công bằng từ hệ thống cơ quan chức năng. Ví dụ, nếu áp dụng chính sách thuế hợp lý, theo xu hướng giảm sẽ giúp doanh nghiệp đối phó tốt hơn với việc chi phí, từ đó giữ ổn định giá thành sản phẩm và sẽ tác động tích cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cơ quan quản lý, từ Trung ương đến địa phương cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt diễn biến thị trường để hỗ trợ lưu thông hàng hóa; trong đó chú trọng đến hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ... Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa giả tạo, gây sốt và đẩy giá lên cao một cách vô lý, làm thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chân chính. Ngoài ra, cần tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quy định liên quan đến quản lý thị trường kết hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Chị Tô Thị Dung (quận Long Biên):

Kiểm soát lạm phát sẽ đạt mục tiêu

Tôi nhận thấy, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu không có nhiều biến động. Đáng chú ý, giá cả thị trường thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán có tăng giảm đan xen, song không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, thị trường cơ bản bình ổn. Thông thường, lạm phát cao sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân. Do đó, theo tôi, cần đánh giá tác động của việc tăng giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ này phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, qua đó giúp kiềm chế lạm phát. Tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng, việc kiểm soát lạm phát năm 2024 sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Anh Minh - Hương Thủy ghi

Hồng Sơn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 281/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Thành lập đội hình thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh tai nạn giao thông

Ngày 7-4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban Thanh niên Công an nhân dân tổ chức lễ phát động hưởng ứng Năm an toàn giao thông 2024; ra quân tuyên truyền về hoạt động phòng cháy, chữa cháy trong thanh niên năm 2024.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/kiem-che-lam-phat-de-hien-thuc-muc-tieu-tang-truong-663027.html