Kiểm soát dân số nhằm phát triển bền vững

22/04/2024 10:28

Kinhte&Xahoi Kiểm soát, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là một trong những chủ trương lớn được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Thành phố đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, phân bố dân số theo quy hoạch được duyệt, gắn với việc lập, điều chỉnh các quy hoạch lớn, định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Với tốc độ gia tăng nhanh như hiện nay, việc định hướng dân số dự báo đến năm 2030, dự kiến đến năm 2045 là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi xây dựng mô hình và quản lý vùng có hiệu quả.

Nhiều áp lực và khó khăn

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho thấy, dân số trung bình của Hà Nội năm 2022 là 8,4 triệu người, đứng thứ hai sau thành phố Hồ Chí Minh (9,4 triệu người), bằng 35,9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng, bằng 8,45% dân số toàn quốc. Trong đó, dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%, dân số khu vực nông thôn chiếm 50,9%.

Từ năm 2009 đến nay, dân số Hà Nội tăng thêm hơn 1,95 triệu người. Tốc độ tăng bình quân mỗi năm khá cao, khoảng 150 nghìn người và không đồng đều giữa các đơn vị, chủ yếu do tăng dân số cơ học (khoảng 69,1 nghìn người/năm).

Tiến sĩ Vũ Thúy Hiền (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) nêu thực trạng việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều áp lực và khó khăn. Một số khu vực có quy mô dân số đã vượt rất xa ngưỡng khống chế của quy hoạch. Cụ thể khu vực nội đô lịch sử dự kiến đến năm 2030 phải giảm dân số còn 800 nghìn người nhưng đến nay, quy mô dân số đã vượt 1,2 triệu người.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, dân số là yếu tố tác động lớn đến mô hình phát triển và cấu trúc kinh tế của mỗi địa phương và cả nước. Với Thủ đô Hà Nội, vượt ra khỏi các quy luật thông thường, biến động dân số rất phức tạp, nhất là khi Hà Nội đã qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và sắp tới là việc sáp nhập nhiều xã, phường.

”Thành phố đặt ra vấn đề giảm dân số trong nội đô lịch sử từ năm 1995 nhưng chưa được như mong muốn. Nhiều dự án giãn dân không thực hiện được. Đến năm 2011, Hà Nội thực hiện mô hình chùm đô thị, thị trấn sinh thái, nhưng sau đó chậm triển khai nên chưa đạt mục tiêu thu hút dân số nhằm giảm áp lực cho đô thị trung tâm”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khái quát nguyên nhân.

Về thực trạng dân số tại một số đô thị vệ tinh, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội cho hay, đô thị vệ tinh Hòa Lạc được quy hoạch với quy mô dân số năm 2020 là 300 nghìn người, năm 2030 là 600 nghìn người. Tuy nhiên, hiện nay mới có 54.729 người, bằng 18,24% dân số dự kiến. Đô thị vệ tinh Sơn Tây quy hoạch với quy mô dân số năm 2020 là 130 nghìn người; năm 2030 là 180 nghìn người. Hiện dân số cũng chỉ đạt 114.741 người, bằng 88% dân số dự kiến năm 2020…

Kiên định giảm dân số khu vực nội đô

Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, việc dự báo quy mô dân số, kiểm soát, phân bố dân số phù hợp là nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong giai đoạn hiện nay. Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025” đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện các giải pháp kiểm soát dân số theo quy hoạch được duyệt, chú trọng vào các khu vực nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm”.

Một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là từng bước tạo ra chùm đô thị.

Nhằm kiểm soát dân số theo quy hoạch, nhiệm vụ định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bố dân số phù hợp với tình hình thực tiễn đã được nêu trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng thông tin, điều chỉnh Quy hoạch chung đã đưa ra dự báo phát triển quy mô dân số của Thủ đô đến năm 2030 khoảng 11,41-11,95 triệu người; đến năm 2045 khoảng 13,74-14,6 triệu người.

Việc phân bố dân số được thực hiện theo nguyên tắc rà soát, đưa dân số khu vực trung tâm đạt mức 10.000-12.000 người/km2, theo quy định của Nghị quyết số 1210/2016/ UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Trong đó, khu vực nội đô lịch sử vẫn kiên định chủ trương giảm dân số xuống 800 nghìn người. Khu vực nội đô mở rộng cần hạn chế tăng dân số.

Các khu vực phát triển mới gồm phía Bắc sông Hồng (chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng); phía Đông Vành đai 4 (chuỗi đô thị phía Đông Vành đai 4) cơ bản thuận lợi cho phát triển đô thị sẽ được phân bổ lại theo hướng tăng dân số, phù hợp với định hướng dịch chuyển dân cư từ đô thị trung tâm tới các khu ở mới, giảm áp lực cho hạ tầng cơ sở đô thị nội đô lịch sử.

Tại các khu vực định hướng hình thành quận, phân bố dân số bảo đảm mật độ trên 12.000 người/km2, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, đây vẫn là định hướng lớn, mô hình đúng để phân bố dân số hợp lý. Tuy nhiên, muốn thực hiện phải có nguồn lực và các chính sách ưu đãi đi kèm. Một số thủ đô trên thế giới kéo giãn dân số ra khỏi khu vực trung tâm đều phải bố trí, xây dựng nhà ở hoặc giảm tiền thuê, mua nhà cho người dân ở nơi mới. Thực tiễn cũng cho thấy, vì phát triển thiếu quản lý dân số, một số thủ đô đã phải di dời như tại Indonesia, Hàn Quốc.

Với tốc độ gia tăng nhanh như hiện nay, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, việc định hướng dân số dự báo đến năm 2030, dự kiến đến năm 2045 là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi xây dựng mô hình và quản lý vùng có hiệu quả, cùng với chính sách đặc thù cho Thủ đô. Quy hoạch vùng phải phát huy giá trị, tạo lợi thế so sánh giữa các tỉnh lân cận để giảm dần lượng dân số cơ học tự do vào Thủ đô.

Tiến sĩ Vũ Thúy Hiền nêu thêm giải pháp từ việc kiểm soát quy mô, mật độ dân số khu vực nông thôn hợp lý, hài hòa phù hợp với đặc thù mô hình nông thôn thuộc Thủ đô. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình phát triển nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cho thấy, yêu cầu phải gắn kết việc quản lý dân số với xây dựng nông thôn mới và góp phần bảo đảm tiêu chí Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt và tạo điều kiện để chuyển hóa 5-7 huyện theo quy hoạch thành quận. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 62% vào năm 2025 và đạt 75-80% vào năm 2030.

Việc kiểm soát, phân bố dân số tại Thủ đô Hà Nội đang hướng tới bảo đảm tính thống nhất giữa quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, giữa điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Để đạt hiệu quả, thành phố chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, tốc độ tăng và tỷ trọng dân số từng vùng đặt trong quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua có nội dung nhận định, quy mô dân số Thủ đô đã vượt mức dự báo. Việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn. Đồ án đưa ra các dự báo biến động dân số. Cụ thể, dân số thường trú được dự báo đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người. Ngoài ra, thành phần dân số khác cũng được dự báo từ 1,4 triệu người năm 2030, 2,1 triệu năm 2045 đến đến 2,5 triệu người năm 2050.

Khánh An - Hà Nội mới

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/kiem-soat-dan-so-nham-phat-trien-ben-vung-664257.html